Please download Java(tm).

 

 

 

         

 

Còn hơn tháng nữa là Tết ta rồi, Hội Đoàn trường Trung Thu coi bộ nhộn nhịp dữ a. Tôi thật tình rất khâm phục những Anh Chị Em trong hội đoàn vì các A/C/E đã không ngại ngần lo cho tờ báo Xuân với đầy đủ ý nghĩa một tờ báo Tết, giữ gìn mãi mãi tên trường Trung Thu, dù vẫn đang bôn ba với công ăn việc làm, gia đình con cháu và cũng để nhớ ông cha mình đã từng là một người Cảnh Sát Quốc Gia của Việt Nam Cộng Hòa.

 

Ngày xưa, khi ta còn nhỏ…

Tết đến, khi còn học trong trường thì làm Bích Báo, tổ chức tiệc Tất Niên trong lớp.

Ngày nay, ta đã lớn…

Năm ngoái, tôi đã tham dự một gian hàng trong Hội Chợ Tết của Sinh Viên. Đó là gian hàng bởi Nha Lộ Vận, kêu gọi mọi người hãy để ý tới sự “an toàn trên xa lộ” hình như được bảo trợ bởi hãng sản xuất bánh xe. Việc của tôi là đón và tặng những quan khách đi ngang gian hàng một gói quà nhỏ, trong đó có đựng vài món vật dụng rất có lợi để thử bánh xe. Đối với tôi, chiếc xe là phương tiện chuyên chở, chui vô xe rồ máy rồi chạy, nếu có gì trục trặc thì “la làng” gần thì ông chồng chạy tới cưú bồ, xa thì gọi Road Side Services đem đồ nghề tới, nếu nhẹ thì sửa tại chỗ còn nặng thì cho họ kéo chiếc xe đi sửa chớ hoàn toàn không biết gì hơn là đổ xăng mà thôi, cho nên, khi có vài người cầm từng vật dụng ra hỏi cách xử dụng, -cái này làm sao xài, cô? cái kia là cái gì, cô? tôi chỉ ú ớ rồi nói -ờ ờ… ông/bà/cô/em, hãy đọc tờ giấy đính kèm, có tiếng Anh và tiếng Việt nữa, họ chỉ dẫn rõ ràng lắm... ngày Tết, ai nấy đều vui vẻ nên người ta chỉ cười hì hì.

Trong gian hàng có ba người, thay phiên nhau nghỉ xả hơi. Giờ nghỉ, tôi đi dạo một vòng chợ. Gặp mấy gian hàng bán dĩa nhạc và phim bộ tôi mừng quá trời, đều ghé vô. Ghé vô là tay bắt đầu lựa. Ban đầu thì lựa bằng hai tay, vài phút sau thì chỉ lựa bằng một tay vì tay kia đã ôm một chồng nhạc rồi. Ôi, đủ thứ nhạc, tôi lựa được một mớ những dĩa nhạc trước 75 và một chồng nhạc Pháp. Quí nhứt là dĩa do cô ca sĩ khả ái Sylvia Vartan hát những bản tình ca lãng mạn, một thần tượng của tôi vào thập niên 60, thời còn ngồi ghế Trung Học, thời còn dành ăn với bạn ngồi chung bàn hay là ăn vụng trong lớp. Nhắc tới thời ấy, tôi nhớ quá, nhớ trường nhớ bạn nhớ thầy.

 

 

Khoảng thời gian tôi học trung học thì trường Trung Thu hình như chưa có, chị tôi học Trưng Vương em kế tôi học Gia Long, mấy đứa nhỏ dẫn về sau mới học trường Trung Thu, còn tôi, học dỡ ẹc, thi để vô trường Gia Long hai lần rớt ạch ạch nên mỗi tháng phải đóng tiền học trường tư, bốn năm trung học ra vô dưới mái trường Nguyễn Văn Khuê, vùng chợ cầu Muối.

Trường nầy nam nữ học chung, tiếng là học chung chứ kỳ thật là không có sự chung đụng, nam nữ riêng lớp, mỗi phái riêng một building, A và B, lỡ đụng đầu nhau thì sợ thấy bà!
Trường có rất nhiều thầy dạy hay nổi tiếng. Thầy L. L. Th. với dáng đi phong thái giọng cười kha kha kha sảng khoái. Chúng tôi mê thầy, tôi mê thầy cho nên năm ấy tinh thần đầu óc bỏ hết vô những bài luận văn, viết ngày viết đêm, có bao nhiêu chữ tuôn hết ra. Tôi và một đứa bạn thân đã đến tận nhà thầy, làm quen với cô em gái thầy, thư từ qua lại một thời gian dài. Ấy là năm tôi mười sáu tuổi, học lớp Đệ Tứ B4 mà chúng tôi đổi lại là Đệ Tứ bê bối, tôi “yêu” thầy tôi.

Ngày đầu tiên thầy bước vô lớp, như mang theo cả một vầng thái dương, mang theo cả một vầng trăng, mang theo cả một vùng trời thơ mộng. Thầy bận quần màu đen áo sơ mi màu trắng là hai màu thầy chỉ mặc triền miên suốt năm. Thầy bước lên hai nấc, đứng trên cái bục trước tấm bảng đen, xây mặt lại, trải tầm nhìn sau cặp kiếng cận xuống đám nữ sinh. Đám nữ sinh đang như bị thôi miên. Như một vườn bông hướng dương nương theo ánh mặt trời đang ngẩn ngơ đưa những cặp mắt nai lên nhìn thầy thì,

Ôi thôi!

 

Vụt một cái, từ đâu đâu, tận chân trời nào? cắc cớ thay! nỡ lòng nào! cái cậu bé bụ bẫm mình để trần còn quấn tấm ... tã?... tượng trưng cho “thần Ái Tình” của dân Tây Phương, cậu bé còn nhỏ thế mà sao quá ác độc? nỡ dương cung tên lên dang thẳng cánh bắn cho tôi một phát. Xuyên qua tim. Rỉ máu. Nhỏ tí tách như giọt mưa thu, dài dài nguyên năm Đệ Tứ!

Thầy cất tiếng lên nghe sang sảng. Thầy cười giọng cừơi kha kha kha, giọng cười tôi còn mang mãi trong tim. Thầy đi dạy tay không. Không bao giờ có cuốn sách nào để mở ra. Tất cả đều nằm trong đầu. Thầy giảng bài, đọc bài cho học sinh viết bằng trí nhớ bằng lời lẽ văn chương phong phú.

 

Tôi mê thầy. Tôi chiêm ngưỡng thầy. Tôi đưa thầy lên ngôi thần tượng. Thầy nói ra từng lời. Tôi nuốt vô từng lời. Tôi không còn chạy nhong nhong ngoài vườn theo ong theo bướm nữa, mà thừơng ngồi ngó mông lung ra ngoài cửa sổ.

Trong lớp, giờ nào không phải giờ của thầy, tôi ngó ra cửa sổ để được tự do tưởng tượng, như nụ cười của thầy ngoài kia... vương theo gió... vận theo mây... ngoài chân mây... và tôi mơ màng bay ra khỏi cái lớp học tù túng, bay theo thầy...

Rồi một ngày đó. Nhỏ bạn thân của tôi khai thiệt. Nó khai bằng hai câu thơ lục bát. Ai có ngu cách gì đi nữa đọc hai câu thơ nầy mà hổng hiểu thì tôi cùi! Thơ rằng:

Tim trò trao trọn cho thầy
Cho bay theo gió theo mây tung trời

Đọc xong là hiểu liền. Tự nhiên tôi ứa nước mắt. Nó hết hồn hết vía hỏi lăng xăng -mầy mắc chứng gì vậy mậy? Bộ thơ tao làm buồn lắm hả? Tôi nói -hổng phải đâu mầy ơi ...
Rồi tôi lấy viết ra làm tiếp bài thơ thất tình của nó:

Hai trò cùng nói một lời
Cùng yêu trọn vẹn cả đời thầy ơi.

Thế rồi. Hai con nhỏ học trò mơ mộng cùng yêu ông thầy. Mỗi đứa thay phiên nhau làm hai câu thơ lục bát. Nhờ yêu mà… rặn ra được đâu bài thơ cỡ … hai chục câu có. Hai đứa ngày ngày nắn nót làm thơ, rồi thở dài, rồi ứa nước mắt. Sao mà lúc đó cái gì cũng làm mình buồn được hết á.

 

 

Tuổi biết buồn. Ban đêm, trái tim mình như quặn, thắt, như có ai cầm mà bóp mà vắt... mà cũng lạ, có vài đứa bạn lại phê bình... aaaa, sao lúc nầy mầy thấy... đẹp ra dợ? bộ đang yêu hả?

Người con gái đang yêu, trái tim thường đập mạnh. Máu chảy mau, tống ra tận từng sợi vi ti huyết quản, ra tận làn da làm cho đỏ hồng lên. Dĩ nhiên tóc nhờ vậy mà trở nên bóng mướt, da nhờ vậy mà trở nên mịn màng, mắt nhờ vậy mà trở nên ướt át...

Như vậy đó. Hai đứa tụi tôi chung tình, cứ làm bài thơ tả tình. Tả xong rồi làm sao? Hai đứa bàn với nhau -hay là mình đem bài thơ cho thầy chấm điểm?

Ngu gì mà ngu tàn bạo!

Đồng ý. Sợ thầy không hiểu tâm sự mình, tôi còn nhận vẽ hình kèm trong bài thơ nữa chớ.
Trên góc trái phía trên bài thơ lục bát hai chục câu có vẽ hình chùm dây ti gôn bông hình trái tim màu hồng bể rơi lả tả làm nền nguyên trang giấy và hình cái mặt người đàn ông có đeo kiếng cận. Dưới góc bên tay mặt là hình hai con nhỏ bận áo dài đội nón lá cho thêm phần thơ mộng, cùng hướng mắt nhìn lên thần tượng.

Mình ngu mà cứ sợ người khác… hổng hiểu. Mà người đó là thầy mình mới chết chớơơớ…
Sướng hông? Bởi vậy nguời ta mới nói là tình dại khờ, tình ngu si! Và bạo dạn trong tuyệt vọng.

Bữa đó đợi thầy ngồi nghỉ trong văn phòng, sự “đau khổ” dày vò chịu hết nổi, hai đứa nhứt định phải cho thầy hiểu tâm sự của mình rồi… tới đâu thì tới. Rụt rè bước vô, thầy ngồi đó tay cầm điếu thuốc, trên bàn là ly trà nóng bốc khói. Thầy đưa điếu thuốc lên môi, đôi mắt nheo nheo vì khói...

Trời! Tim đánh thùng thùng thùng...

Nhỏ bạn thỏ đế đẩy tôi. Mạnh dạn tôi tiến tới, hai tay dâng lên cho thầy bài thơ có kèm hình trên cuốn sổ bằng giấy “pơ lua” màu hồng. Tỏ tình xong rồi hai đứa chấp tay đứng đó ngáo ngáo.

... Hai đứa đứng chấp tay chôn chân tại chỗ như hai đứa học trò bị phạt.

Đọc xong bài thơ có kèm hình, thầy L. L. TH. gật gù, khoé mắt hơi nhíu lại, vì khói hay vì… cố ngăn nụ cười? Thầy thong thả cầm ly trà còn nóng đưa lên môi nhấp một cái rồi từ từ nói, không nhìn hai đứa ngáo:

- Để thầy đem về có thời giờ xem lại rồi thầy sẽ cho điểm nhé.

Chời ơi chời! Thầy sẽ cho điểm bài thơ tình đau khổ! Chỉ đợi bi nhiêu đó, hai đứa cùng dạ ríu ríu rút lui lẹ. Ra khỏi văn phòng hai đứa thở ra “phẻ” quá, cố nín… cười hay khóc? Quên mất rồi. Cả ngày hôm đó tự dưng lòng dạ nhẹ hửng. Vui vui.

 

 

Mấy bữa sau gặp lại giờ thầy. Hai đứa mắc cở đỏ mặt ngó xuống, có dám “eyes contact” đâu, còn thầy, thấy thầy tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì lạ lùng hay bí mật đã xảy ra giữa … ba người.

Giờ ra chơi thầy nhẹ nhàng kín đáo đưa cho nhỏ bạn tôi tờ giấy, nói -nhớ đến nhé.
Thì ra, thầy cho địa chỉ mời hai đứa tới nhà thầy chơi.

Trời đất! Đã hổng bị phạt bị la mà còn được thầy mời riêng hai đứa tới nhà nữa chớ. Hai đứa vẫn còn sợ nhưng nhỏ bạn tôi coi vậy mà nó gan hơn tui. Trong khi tôi quíu lại nói -thôi tao hổng dám đi đâu nó nói -đi đi sợ gì mậy thầy có làm thịt minh đâu mà sợ đi hai đứa sợ gì mậy. Thầy mời đàng hoàng mờ.

Bữa đó là ngày chúa nhựt, nó nói -để tao qua chở mầy. Hai đứa do theo địa chỉ len lách mấy cái đường hẻm lớn nhỏ trong khu Bàn Cờ mới tới nhà Thầy. Ra đón hai đứa là cô em gái của Thầy, bằng tuổi mình, học trường Gia Long. Ba đứa trở thành bạn, thư từ qua lại vui lắm.

Tôi và nhỏ bạn “đồng cảnh ngộ” cùng bừng tỉnh giấc “Nam Kha” bởi vì, ngu cách gì đi nữa cũng hiểu, giới thiệu cô em cho chúng tôi làm bạn, Thầy đã ngầm bảo –hai em như em của Thầy, hãy lo học hành đi, đừng có lơ tơ mơ, hoặc là đừng có khùng quá!
Vậy mà tôi cũng đã nhớ Thầy rất là lâu!

Trường ấy cũng có những Thầy như Thầy Minh Đăng Khánh, vừa là giáo sư vừa là một nghệ sĩ rất đẹp trai, Thầy Đông to con lái chiếc mô tô kềnh càng dạy Sử Địa, Thầy Vĩnh Điện dạy Lý Hoá (Thầy V. Đ. lúc ấy đang sống nội trú tại cư xá Minh Mạng) Thầy V. dạy toán Đại Số. Ối chu choa, nhắc tới Thầy V. là nhớ tới cái lần tôi bị quê muốn độn thổ.

 

Hôm ấy, một buổi chiều có gió thổi hiu hiu, ngoài cửa sổ có nắng lung linh vàng óng ánh rất là đẹp, tôi đang mơ màng nhìn trời và tưởng nhớ đến người trong mộng, là Thầy L. L. T. thì bỗng dưng, nhỏ bạn thúc hông một cái đau điếng, dựt mình xây qua, mọi người đang nhìn mình, Thầy V. gọi tôi lên bảng. Thần hồn réo gọi thần vía, tôi hoảng hốt tẽn tò đứng dậy, đi đếm bước, lết lên bục tử thần. Thầy đưa cục phấn biểu tôi giải bài toán Thầy đang giảng trên bảng. Nhìn vô bài toán, thiệt tình là tôi chỉ thấy mấy con số đang nhảy múa, tôi hoa mắt, tay run run “tìm hơi ấm tình thương” nhưng không thấy, tay run run tóc run run vạt áo dài run run còn bộ não thì không biết đấy là bài toán gì vì nãy giờ có nghe giảng cái “rì” đâu nà?

Tôi đứng xớ rớ, Thầy hét lên -sao thế? không làm được à?

Lúc ấy tôi hết biết rồi, đầu óc thật sự trống rỗng như cái lu không, tôi không còn là tôi nữa, không còn hiện hữu trên thế gian nữa. Tuy đứng xây lưng lại, tôi cảm giác cái lưng nóng bỏng, trong lớp chứa cầu 40 con nhỏ, nghĩa là có 80 cặp mắt đang nhìn cái lưng ướt mồ hôi của tôi và

có lẽ tụi nó cũng đang thót ruột, lo sợ dùm cho số phận tội nhân đang đứng trên đoạn đầu đài, bị bắt quả tang hết đường chối cãi, giờ học mà hồn bay theo đám mây lang thang, cái xác chưa chết hay sắp chết lần này chắc là chít t t t… chắc.

Thấy tôi đứng chết trân,Thầy dựt cục phấn, ngoáy ngoáy một cách giận dữ gì đó trên bảng, phấn ấn lên bảng đen nghe lập cập, như phụ họa với tiếng trái tim tôi đang đập thình thình, xong, Thầy dúi cục phấn vô tay tôi, hét –LÀM ĐI

Tôi nhìn hai hàng số, số trên lớn số dưới nhỏ rồi lằn gạch ngang, mà không hiểu - toán gì vậy trời???

Thấy tôi vẫn đứng làm thinh, hết chịu đựng nổi, Thầy hét lên, lớn hơn hồi nãy:

-Ối giời ơi! Là bài toán trừ. Toán trừ mà cũng không biết làm à? CON BÒ TÓT. VỀ CHỖ.

Tôi líu ríu níu vạt áo dài sợ vấp, ngã cái ạch bất tử, xây lưng lại mắt ngó xuống đất cái mặt chắc chắn xanh dờn run lập cập ngồi xuống, bàn đầu, đối diện bàn của thầy!

Từ đó về sau Thầy không bao giờ kêu tôi lên bảng “hành hạ” tôi nữa. Cuối năm, cả lớp hùn tiền mua bánh mứt dưa hấu nước ngọt vô làm tiệc Tất Niên đãi Thầy cùng chung vui trước khi nghỉ Tết. Chúng tôi giăng dây màu, mua mấy gói giấy “"công phét ti"” đủ màu để tung lên nhau cho đẹp. Tất cả những cái bàn học được đẩy sát tường, chừa chính giữa cho quí Thầy ngồi. Tôi phận sự cầm khay bánh mứt đi một vòng mời Thầy. Khi tới gần Thầy V. Thầy cười cười, nụ cười hết sức hiền hòa, Thầy hỏi nhỏ:

- Sao, con vẫn học hành chăm chỉ đấy nhớ? Sau này ra đời, lúc nào con cũng phải sử dụng TOÁN cho nên con cần phải cố gắng hơn nữa, biết không con?

Tôi lí nhí - Dạ biết.

Thế là, sau khi được Thầy “tha thứ” cho cái tội NGU, tôi vui mừng quá nên khi đám bạn vỗ tay trước yêu cầu sau, hứng chí tôi đứng lên ca bản Ly Rượu Mừng với sự phụ hoạ của cả lớp và tiếng vỗ nhịp của các Thầy và rồi lôi theo hứng cùng không khí đón xuân, đứa nào biết ca lên ca, các Thầy vỗ tay cười đùa thoải mái, không còn những gương mặt “lạnh như tiền” mỗi ngày nữa.

Ôi, lời của Thầy, tôi đã mang theo suốt con đường đời, bây giờ, sau hơn bốn chục năm, tôi vẫn còn nhớ lời Thầy:

“Sau này ra đời, lúc nào con cũng phải sử dụng Toán cho nên con cần phải cố gắng hơn nữa, biết không con?
-Thưa Thầy, “con bò tót” của thầy đã biết.

Thêm một năm sắp qua, nhớ khoảng thời gian còn nhỏ chưa lớn ấy, khoảng đời đẹp vô cùng tận ấy, tôi thầm cầu mong, quí Thầy tôi nếu còn sống, xin ơn trên ban phước lành, sức khỏe và bình an, các bạn tôi, con cháu đầy nhà sum họp, không ai phải khổ cực trong tuổi về chiều, luôn luôn vui vẻ, cuộc sống an khang thịnh vượng.

Mãi mãi không quên./.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Xuân 2011

 

 

 

  

Báo Xuân Tân Mão 2011 - HCHS Trung Thu