MẸO VẶT

Trang 1, 2
  • Cách Luộc Gà 1

      Luộc gà cho da gà vàng và không bị bể thì phải luộc lửa nhỏ ... bắt nồi nước lạnh thì thả con gà (hay thịt vào) và mở lửa trung bình, khi nước bắt đầu sôi thì hạ lửa xuống nhỏ để sôi nhẹ (không có bong bóng nổi lên - giống như nấu nước lèo thì nước mới trong). Luộc với sôi nhẹ thì phải lâu hơn là luộc với nước sôi ùng ục ... Tùy theo gà lớn nhỏ phải mất cở 1-2 giờ mới chín tới bên trong. Khi thử biết gà vừa chín (xâm gần đùi mà không thấy máu chảy ra) thì vớt gà ra cho vào cái thau nước lạnh (thêm 1 ly nước đá), ngâm gà trong nước đá lạnh chừng 5-10 phút thì vớt ra, lấy mở thoa lên da gà thì da gà vàng bóng trông đẹp mắt ... không bị khô ... (thịt heo thì sau khi ngâm vào thau nuớc lạnh chừng 5 phút thì vớt ra.

      Người Mỹ, Pháp hay Ý thì luộc gà cách khác gọi là poaching ... họ thường poach ức gà (còn da hay bỏ da) hoặc nguyên con gà bằng cách là bắt nồi nước chicken broth cho thêm gia vị như củ hành, hành xanh, cà rốt, celery, tiêu, gừng v.v...) rồi cho ức gà vào mở lửa trung bình (không đậy nắp). Khi nước bắt đầu sôi lên thì đậy nắp lại, tắt lửa ngay và để yên như vậy 45 phút thì gà vừa chín tới ... vớt ức gà ra sắt mỏng làm thêm sauce để ăn với salad. Nồi nước luộc gà thì cho thêm nuôi nấu tiếp thành nồi soup

       

  • Cách Luộc Gà 2

      Cho gà vào lúc nước còn nguội.

      Làm thế nào để gà được ngon và đẹp mắt? Nếu luộc kỹ để bên trong thật chín thì lớp da và thịt bên ngoài bị nhừ; nếu giữ được lớp da ngoài còn độ dai, giòn thì lớp thịt và xương chặt ra còn màu đỏ.

      Để khắc phục tình trạng này, bạn nên cho gà vào lúc nước còn nguội để da không bị nứt vỡ. Sau đó luộc gà trong nước sôi tim (sôi lăn tăn không sủi sóng lên).  Luộc một con gà nhanh nhất khoảng 20 phút (trung bình là 30 phút), nhưng để gà chín đều, da vàng óng phải mất khoảng 45-60 phút (để lửa nhỏ).  Trong trường hợp gà mới lấy ở tủ lạnh ra, thời gian đun phải tăng lên gấp đôi so với bình thường.

      Để tạo cho gà có màu vàng óng, trông ngon mắt, tránh tình trạng khi luộc xong da bị sậm, xỉn màu thì khi gà vừa chín tới, bạn cần vớt ra khỏi nước sôi và ngâm ngay vào thau nước lạnh.  Ngâm đến khi nào thịt gà nguội hẳn mới nhấc ra.  Sau đó, để thịt ráo nước một chút, dùng mỡ đã thắng quét một lớp lên da, gà sẽ có màu vàng bóng và căng mượt, trông rất hấp dẫn.

       

  • Cách Luộc Gà  3

      Sẽ đăng sau

       

  • Mì Tươi Ăn Dòn

      Phơi mì tươi trên giấy báo qua đêm cho khô, hoặc để trên chảo hay mồi, vặn lửa thật nhỏ để giúp mì mau khô ...

      * Muốn mì ăn dòn thì cọng mì phải khô thật khô (khô quéo) trước khi trụng .

      Nấu nước sôi cho tí muối vào .

      Chờ nước sôi ùng ục, bò mì vào, mỗi lần chỉ 1 vắt thôi, nếu trụng nhiều thì không đủ nóng, mì sẽ hút hết nước trở nên nhão nhẹt .

      Bỏ mì vào nồi đếm one , one-thousand , two , 2 thousands , 3 , 3 thousands ,tức là nấu sôi chừng 3,4 seconds là đủ rồi .

       

  • Nấu Canh Cải Cho Ngon

      Khi nấu canh cải với cá thác lác, phải cho gừng vào thì canh sẽ ngon hơn không? Vì sao như thế?

      Khi nấu canh cải với cá thác lác và nhất là cải bẹ xanh, thường cho gừng vào vì mùi vị của gừng có tác dụng khử mùi tanh, kích thích vị giác, khi ăn sẽ thơm và ngon hơn, đồng thời có tác dụng khử hàn, phòng độc.

      Khi nấu canh rau cải cúc (tần ô) với thịt bò, có thể ướp thịt với rượu trắng được không? Làm như vậy có ảnh hưởng đến mùi vị của canh không?

      Mùi thịt bò khi nấu canh sẽ phảng phất mùi bò, đôi khi làm người ăn khó chịu.  Do đó ướp rượu vào thịt bò có tác dụng khử mùi hôi để khi nấu thơm ngon hơn.  Tuy nhiên chỉ ướp với liều lượng ít, nếu không thịt sẽ có vị đắng.

      Bếp Gas (sưu tầm)

  • Thức Ăn Ngon Nhờ Gia Vị



      Muối: Có thể nêm vào trước hoặc sau khi nấu, tùy từng món ăn. Nếu hầm xương hoặc cần lấy nước dùng, nêm muối ngay khi nước đang sôi để giữ nguyên vị ngọt của thực phẩm.  Với món xào, cần nêm ngay lúc dầu mỡ vừa sôi, giúp loại trừ độc tố aflatoxin có trong muối.  Để giữ nguyên vị ngọt của thịt, hãy nêm muối trước khi chế biến.

      Nước mắm: Việc tẩm ướp thực phẩm với nước mắm hoặc nêm trong khi chế biến sẽ làm tiêu hao chất bổ dưỡng có trong nước mắm.  Do vậy, hãy nêm khi thức ăn đã chín, sau đó nhắc ngay khỏi bếp.

      Bơ: Để giữ nguyên dưỡng chất và mùi vị đặc trưng, cần nấu chín thức ăn trước khi cho bơ vào, sau đó múc thức ăn ra đĩa ngay.

      Bột ngọt: Nhằm tránh những chất có lợi không bị tiêu hao và loại trừ các độc tố, hãy đợi thức ăn chín hẳn rồi mới cho bột ngọt vào.

      Tiêu: Tránh nêm tiêu vào thực phẩm trước khi chế biến vì dễ gây bệnh ung thư. Sau khi chế biến xong, rải lên mặt món ăn một chút tiêu là tốt nhất.

      Rượu: Để giữ mùi của rượu, cần cho một nửa lượng rượu cần thiết vào khi chế biến món ăn, nửa còn lại có thể dùng chung với món ăn sau khi đã nấu chín.

      Với các món như kho, hầm, canh, súp: Dùng hạt nêm từ thịt sẽ giúp tăng đạm và vị ngọt cho món ăn, có thể cho thêm hành tây tươi để tạo mùi thơm.

      Với món nướng như thịt, cá, gia cầm, hải sản: Cần kết hợp với các loại bột gia vị khô như bột tỏi, bột hành, bột ngò, bột ngũ vị hương, quế, hồi, xả, gừng... nhằm tăng mùi vị đặc trưng của món ăn.

      Với các món hấp như cá, hải sản, rau quả: Kết hợp với dầu hào, nước tương, dầu mè trắng, rượu quế, đường... vào để tạo mùi hương cho món ăn, có thể thêm gừng tươi, ớt, rau mùi hoặc hành tươi vào.

      Bếp Gas (sưu tầm)

       

  • Bí Quyết nấu Ăn Ngon

      Có những công việc bạn đều làm mỗi ngày nhưng chưa chắc đã đạt hiệu quả cao nếu không nắm được các bí quyết của công việc đó.  Nấu ăn là một ví dụ, nhất là trong những dịp lễ, Tết, ai cũng muốn tự tay mình chuẩn bị một bữa cơm ngon cho cả nhà hoặc đãi khách.  Xin mách bạn một vài bí quyết làm bếp mà có thể bạn chưa biết

      1. Nấu cháo: Muốn cháo không bị trào ra ngoài nồi khi sôi, cho vào cháo một ít dầu ăn, mùi vị càng thơm ngon hơn.

      2. Nấu cơm: Nên đun sôi nước trước khi cho gạo vào vì trong nước máy có chất làm cho hao tổn vitamin B1 trong gạo.

      3. Luộc mì sợi: Không nên để nước sôi sùng sục mới cho mì vào vì như vậy mì chín không đều. Nên cho mì vào lúc nước bắt đầu nổi bọt lăn tăn, đảo qua vài lần, đậy vung cho tới khi sôi rồi đổ thêm ít nước lạnh, sau khi nước sôi lại thì nhắc xuống.

      4. Xào thịt, cá: Nên dùng dầu thực vật, vì trong dầu có chất khử mùi tanh, còn xào rau thì nên dùng mỡ heo, rau xào sẽ thơm, ngon và đẹp mắt hơn.

      5. Nêm muối: Nếu là các loại củ thì nên nêm muối sớm hơn để muối thấm vào, còn nếu là rau thì nêm trước khi nhắc xuống để giữ được các chất dinh dưỡng và rau không bị nhũn.

      6. Nêm xì dầu: Nếu nêm sớm món xào sẽ có vị chua vì lượng đường trong xì dầu bị phân giải khi gặp nhiệt độ cao, nên nêm xì dầu trư ớc khi nhắc xuống.

      7. Nêm bột ngọt hợp lý: Sau khi đã múc đồ ăn ra tô hoặc đĩa (còn nóng) thì mới nêm bột ngọt, nêm sớm sẽ gây ra chất độc hại cho sức khoẻ. Không nên cho trực tiếp bột ngọt vào thức ăn mà nên hoà tan vào một ít nước xào hoặc nước canh rồi mới trộn chung vào.

      8. Cách nêm các gia vị: Theo nguyên tắc loại nào lâu thấm thì nêm trước. Ví dụ như phải nêm muối và đường thì đường nêm trước rồi mới tới muối, sau đó là giấm, xì dầu, nước mắm, cuối cùng là bột ngọt. Các gia vị có mùi hư ơng đặc trưng như xì dầu, nước mắm thời gian nấu càng ngắn càng tốt.

      9. Dùng nước khi chiên, xào: Khi xào thịt, phải đảo nhanh tay và chế thêm chút nước, thịt sẽ mềm và ngon hơn. Còn khi chiên có thể pha nước vào dầu theo cách: đun sôi 3 phần nước rồi đổ một phần dầu từ từ vào, chờ khi dầu đã nổi hoàn toàn trên mặt nước thì bỏ đồ cần chiên vào.

      10. Cách chưng, hấp cá: Đập một quả trứng và thoa đều lên cá, cá sẽ hấp thụ các chất trong trứng và thức ăn trở nên ngon, bổ hơn.

      Bếp Gas (sưu tầm)

       

  • Bí Quyết Nấu Canh Chua

       1 - Nêm me hay bột chua?

      Nhiều người thường có thói quen nêm vị chua bằng me khi nấu món canh chua. Cũng có người cho chanh vào nấu và thấy ngon hơn, một số người khác lại bảo cho bột me làm sẵn đóng gói ngon hơn... Thực sự thì sao?  Dùng vị chua của trái cây tươi bao giờ thức ăn cũng ngon hơn dùng các loại bột pha chế.  Các nhà hàng dùng bột me để tiện khi nấu và tiết kiệm chi phí đi chợ do lượng khách ngày ít ngày nhiều khác nhau, bột trữ được lâu hơn me tươi. Nấu canh chua có thể phối hợp cả hai vị chua của me và chanh.  Khi nấu nước bắt đầu sôi, lấy nước lọc với me tươi bỏ hết hột và bã trái.  Nêm vị hơi chua, sau đó nấu hoàn thành món canh, lúc chuẩn bị ăn, vắt thêm miếng chanh vào sẽ làm nước canh trong hơn và canh chua có vị chua thanh ăn ngon miệng hơn.

      2 - Nấu lẩu canh chua thế nào cho ngon?

      Canh chua là món chín rất nhanh, nên dù nấu theo kiểu nấu canh trong bếp hay nấu kiểu lẩu thì chỉ cần đổ nước sôi vào các thứ rau giá, bạc hà, thơm... đã sắp sẵn, sau 5 phút là có thể ăn.  Nấu lẩu canh chua ngon nên mua cá tươi cắt thành từng khứa với độ dày trung bình 1-1,5cm.  Nếu cắt khứa lớn quá, cá lâu chín và sẽ làm rau bị nhừ và giảm bớt độ ngọt tự nhiên của cá tươi.

      Cá nấu lẩu chỉ cần nước sôi 5-10 phút là chín, ăn vừa ngon.  Nấu lẩu canh chua cũng như các món lẩu khác phải nấu nước dùng cho thật ngon. Nước canh chua nấu với đầu cá, xương cá cho vị ngọt và mùi vị cá.  Do đó cần có nhiều ớt tươi để át bớt mùi cá và làm canh chua thêm ngon.  Sau đó nêm với me tươi, một chút đường cho đằm vị chua, một chút muối và đổ nước này vào trong lẩu đã sắp sẵn các thứ rau nấu canh cùng với cá tươi, trên mặt để một vài lát ớt.  Đó là cách truyền thống; nhiều người hiện nay chuộng kiểu lẩu chua cay như khẩu vị Thái Lan cũng có thể nấu nước dùng với gừng nướng cắt lát, củ sả đập dập và cho một chút ớt satế cho có mùi thơm.

      3 - Nêm đường hay bột ngọt?

      Xu hướng chung hiện nay rất ít dùng bột ngọt trong nấu ăn mà tận dụng kỹ thuật nấu để giữ cho các loại rau củ thịt cá giữ được vị ngọt tự nhiên. Riêng với canh chua, nấu theo vị Bắc ít dùng đường; nấu theo vị người miền Nam có thể thêm một chút xíu đường cho đằm vị chua.

      Bếp Gas (sưu tầm)

       

  • Giữ Thức Ăn Luộc Tươi Ngon



      * Các nguyên tắc cơ bản:

      Giữ màu tươi cho đồ luộc: với những loại rau củ quả và ngay cả thịt heo, bò để giữ màu tươi cho thực phẩm, ngay sau khi vớt ra khỏi nước luộc đang sôi phải nhúng qua nước lạnh hoặc nước đá lạnh cho đến khi thịt hoặc rau nguội hẳn.

      Để rau quả không sậm màu: Khi luộc rau nấu canh, điều tối kỵ là bỏ tất cả rau, cải vào nồi canh.

      Nấu canh rau tần ô, cải ngọt, cải xanh...., muốn cọng rau tươi, xanh, người ta chỉ thả rau vào lúc nước canh đang sôi rồi bắc xuống ngay.

      Những loại rau xanh, muốn giữ màu, khi luộc trong nước sôi phải để nước ngập qua mặt rau, ngay sau khi vớt ra là nhúng qua nước lạnh ngay tức thì, màu xanh sẽ không bị sậm xuống, mà sắc xanh sẽ trở nên mướt, bắt mắt hơn.

      Giữ cho thịt trắng hồng: Với thịt heo, giò heo, thịt bò... khi vớt ra khỏi nước sôi, thịt còn đang nóng bốc khói, bạn nên ngâm ngay vào nước lạnh sẽ giữ cho thịt có màu trắng hồng. Thịt nguội sẽ săn chắc, có màu tươi giúp chế biến các món ăn đẹp và ngon hơn.

      Luộc thịt heo, bò cho ngon

      Nếu cho thịt vào nước đang sôi và lửa mạnh dễ bị tình trạng "hồng đào" (bên ngoài chín, bên trong thịt còn đỏ hồng).  Luộc lửa mạnh còn làm cho nước dùng bị đục, do không vớt được bọt.  Do vậy, cách luộc thịt ngon là để lửa sôi nhẹ. Trung bình, 1kg thịt luộc trong 30 phút.  Nhưng nếu trước đó thịt được để trong tủ lạnh, thời gian luộc có thể lên tới 45-60 phút và ngọn lửa luộc phải nhỏ vừa đủ sôi nước.

      Gà luộc có da căng, vàng óng

      Để luộc gà không bị nứt da, khi luộc, cho gà vào nước còn lạnh và bắc lên bếp, sau đó luộc với ngọn lửa đủ để nước sôi "tim", kéo thời gian luộc dài bình thường.  Sau đó vớt gà ra và ngâm ngay vào nước lạnh để giữ da có màu vàng óng và căng, giòn.  Khi gà nguội hẳn, vớt ra rổ để ráo nước, dùng mỡ gà ngấm vào, gà luộc sẽ căng bóng trông rất ngon.

      Bếp Gas (sưu tầm)

       

  • Chế Biến Nước Lèo



      Trong các món ăn có sử dụng nước lèo thì chất lượng của nồi nước sẽ là tiêu chuẩn để đánh giá độ ngon miệng của món ăn.  Dưới đây là một số cách để có một nồi nước lèo trong và ngon. 

      Nước lèo xương lý tưởng nhất là dùng loại xương "vá" là xương có bản mỏng nấu nước dễ trong hơn xương ống. Các loại xương còn dính chút thịt nấu nước lèo cũng rất ngon. Khi nấu nước lèo, quấn hành lá và ngò thành bó bỏ vào cho thơm, cho thêm tí xíu muối.  Có thể bỏ chút giấm (chút xíu thôi, bằng không sẽ chua thì hư luôn!).  Khi đang nấu, nếu cạn nước, nên thêm nước sôi, đừng đổ nước nguội, các chất ngọt trong xương sẽ không tiết ra nữa.  Ban đầu để lửa lớn, bọt mau tiết ra, hớt nhanh rồi để lửa riu riu thì chất ngọt tiết ra nhiều.  Còn nữa, khi xong phần nước lèo, đến lúc bỏ thêm vật liệu khác như tôm, cua, cá, mực... cũng nên canh lửa riu riu để bọt lên từ từ, kịp thời hớt, nếu không bọt sẽ bể ngay, nước đục rất uổng nồi nước lèo công phu nãy giờ!

      Nếu nấu cá, coi chừng cá làm tanh nồi nước lèo, chà muối cá, rửa kỹ, có thể thêm chút gừng băm nhỏ, rượu trắng ướp cá sơ rồi mới nấu nước lèo.

      Có thể nấu nước lèo bằng trái bắp nấu (cả lõi bắp) để làm món canh gà nấu bắp, rất ngọt và có vị lạ. Ngoài ra, có thể thêm củ sắn, củ cải trắng (khi không có xương), tôm khô, khô mực (vặn lửa nhỏ, hớt bọt kỹ vì 2 chất liệu này dễ làm nước đục).

      Bếp Gas (sưu tầm)








     

     

Questions / Comments: email to trungthu@trungthu.us
Last updated 04/24/06