Cứ
đến ngày 25-26 Tết là nhà tôi lại rộn ràng
với việc đánh trứng, rửa khuôn, hái lá chuối,
chuẩn bị than củi để đổ bánh thuẩn. Đó là
loại bánh của người xứ Quảng không dễ tìm ở
miền Nam nên phải tự làm.
Trứng gà, bột..
được đổ vào một cái chậu to, đánh lên cho
thật nhuyễn. Đánh càng nhiều, càng mạnh tay
thì lúc đổ, bánh mới dậy. Thời ấy, không có
máy đánh trứng nên chị em chúng tôi thay
phiên nhau đánh trứng bằng cả bó đũa to. Đầu
tiên còn khỏe nên đánh mạnh tay nhưng càng
về sau càng mỏi tay nên tay đánh cứ yếu dần.
Miệng, chốc chốc cứ hỏi người lớn: đánh như
vầy đã được chưa, nội?
Sau
bữa cơm tối, má và nội tôi thay phiên nhau
đổ bánh bằng cái khuôn phải mua ở tận miền
Trung. Lũ trẻ chúng tôi, vây quanh bếp lửa
ngồi xem và chờ chực những cái bánh cháy xém.
Lứa bánh đầu tiên là thử khuôn nên chúng tôi
được nhấm nháp. Chao ôi! Mùi bánh thơm lựng
bay khắp nhà. Chỉ đến lúc được nhấm nháp
loại bánh này tôi mới thấy cái Tết đang đến
thật gần. Cái se lạnh ngày giáp Tết ngoài
trời đã bị cái ấm áp của bếp lò trong nhà và
hương bánh thuẫn đẩy lùi.
Cứ như thế, chúng tôi
háo hức chờ đợi từng khuôn bánh mới thơm
phức ra lò cho đến khi mắt díp lại mới thôi.
Sáng đến, khi má tôi đi bán rồi thì nội lại
đem bánh ra hong và sấy. Bánh có màu vàng
ươm của lòng đỏ trứng gà, nở to do đánh bột
mạnh tay và mùi thơm của vani ăn vào nghe
giòn rụm. Sau khi nhà tôi làm xong thì cái
khuôn bánh nhỏ ấy được chuyền tay từng nhà
trong cả xóm để làm bánh. Lúc này, Tết đã
thật sự gõ cửa mọi nhà.
Nhà
tôi gốc miền Trung nên nội nói bánh thuẫn là
món không thể thiếu trên bàn thờ cúng ông bà
tổ tiên cũng như mời khách trong 3 ngày Tết.
Quả thật, đến nhà ai, thấy trong khay mứt có
chiếc bánh thuẩn là biết ngay người miền
Trung. Bọn trẻ con rất thích vì nó không quá
ngọt như các loại mứt khác, có mùi thơm dịu
và nhất là có thể ăn no mà không ngán. Bánh
thuẩn không mềm như bánh bông lan mà cứng
hơn nên tuổi thọ của bánh kéo dài tới mấy
tháng, thậm chí cả năm. Điều này tiện, nên
có nhà chỉ làm vào dịp Tết để ăn tới nửa năm
sau ...
Hơn 15 năm trôi qua
thật nhanh, nội tôi cũng đã thành người
thiên cổ. Nội mất rồi, má tôi cũng không còn
làm bánh thuẫn vào dịp Tết hàng năm. Và cũng
chừng ấy năm, bánh thuẫn đã vắng mặt trong
nhà chúng tôi. Những đứa trẻ chúng tôi ngày
xưa giờ đã lớn lên thành nhân nhưng không
sao quên đựơc cái mùi vị bánh thuẫn của quê
hương do chính má và nội làm. Những bận rộn,
lo toan của cuộc sống khiến chúng tôi cũng
không còn dành thời gian để ngồi lại làm
bánh thuẫn như ngày xưa. Và cũng bởi vì một
điều, chúng tôi, lớp trẻ bây giờ không biết
làm như thế nào.
Ngày Tết, trên
bàn thờ cúng nội tôi luôn là những món bánh
ngoại mắc tiền, mâm ngũ quả sang trọng,
những chai rượu ngon được bày biện bắt mắt
nhưng tôi vẫn thấy thiêu thiếu. Phải, đó là
chiếc bánh quê hương của nội. Thế mà nội
không trách nửa lời, vẫn đưa ánh nhìn hiền
từ xuống chúng tôi. Ngày Tết, đầy những loại
bánh mứt làm sẵn bày bán khắp và thường
xuyên nên lũ trẻ em cháu tôi bây giờ cũng
chẳng còn vẻ háo hức chờ đến ngày Tết để
được ăn bánh, chúng càng không biết mùi vị
của chiếc bánh thuẫn ra sao.
Riêng tôi, bánh
thuẩn đã thật sự trở thành kỷ niệm đáng nhớ.
Cứ mỗi khi xuân về, nhìn các bánh mứt sang
trọng đủ loại trên bàn thờ nội, thì ký ức
những ngày còn cơ hàn cùng nhau thức canh
khuôn bánh của nội và má cứ dần dần hiện về.
Nó nhắc tôi nhớ về quê hương xứ Quảng, nơi
xa xôi nghèo nàn nhưng đã sản sinh ra loại
bánh làm ngọt lịm tuổi thơ tôi.
Lộc
Lê (sưu
tầm)
Chuyện kế tiếp
...