.

 

 

Một buổi trưa nóng bức oi ả của mùa hè năm 2008, tôi trở về thăm trường cũ. Ngồi đằng sau xe gắn máy của con nhỏ bạn thân nhất trong đời, hai đứa chở nhau đi về con đường cũ. Con đường của hơn 30 năm về trước mà tôi đã một lần được gần gũi, con đường xưa ươm đầy kỷ niệm của một thời mới lớn. Hôm nay tôi đang đứng trên con đường đó nhưng sao trong lòng bỗng thấy xa lạ và ngỡ ngàng như chưa bao giờ đặt chân đến.

Cách đây thật lâu, ba tôi sau một ngày làm việc mệt nhọc, vừa bước vào nhà, với nét mặt thật vui và rạng rỡ, ông đã nói với tôi: “ba mới được biết trường Trung Thu đã dọn về đường Thành Thái và sẽ tuyển rất nhiều học sinh vào lớp 6 trong năm nay”. Năm đó là năm 1967 tôi vừa đúng 11 tuổi, cái tuổi còn rất ngây thơ vì lòng chưa biết suy tư dến những phiền muộn của cuộc đời. Tôi mỉm cười không biết nói gì, chỉ biết khi nghe tên trường Trung Thu, lòng tôi cảm thấy kỳ cục làm sao ấy. Vài ngày sau, ba tôi đem về những giấy tờ cần thiết để ghi danh cho tôi thi vào đệ thất trường Trung Thu. Ông điền vào những chỗ cần thiết cho tôi, sau đó tôi chỉ ký tên vào thế là xong.

Ngày thi đệ thất cuối cùng rồi cũng đến. Buổi sáng hôm đó ba tôi chở tôi đi thi, lòng tôi nôn nao và lo âu, không biết trường Trung Thu này có giống như trường Gia Long hay Trưng Vương mà tôi hằng mơ ước được thi đậu vào học. Bước vào cổng trường tôi nhìn chung quanh để xem ngôi trường này có giống như trường Trưng Vương mà tôi đã có dịp viếng thăm vài tháng trước. Nhưng trường của tôi không có những dẫy nhà 2 hay 3 tầng lầu với mái ngói màu đỏ và tường đuợc quét vôi màu xám, trường không có những hàng lang can trên lầu cao để mỗi lần tới giờ ra chơi được tụ năm tụ bảy tựa lang can chuyện trò dưới những hàng cây liễu rũ nên thơ. Trường tôi thật đơn sơ mộc mạc chỉ có hai dẫy lớp học với mái lợp tôn và tường được xây bằng rơm, tôi ngập ngừng đi theo ba tôi tìm phòng thi.

Buổi sáng tựu trường bắt đầu cuộc đời của một nữ sinh Trung Học. Tôi thức dậy thật sớm, mặc vào người chiếc áo dài trắng bằng hàng lụa mềm óng ả. Soi mình trong gương tôi thấy mình đã lớn hẳn lên trong chiếc áo dài mới, đôi má phơn phớt hồng, đôi mắt nâu buồn thoáng thấy một chút gì bâng khuâng. Thuở ấy tôi rất yêu thích mặc áo dài may bằng hàng lụa, như thế đấy nên một ngày nào đó, thật vô tình mình đã đem sầu nhớ đến cho một người:

 

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại
Để anh giận, mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi

(thơ Nguyên Sa)

 

 

Sài Gòn đầu mùa Thu mây xám giăng ngang trời, lác đác trên con đường dẫn đến ngôi trường trung học mới của tôi là những xác hoa phượng rơi đầy trên mặt đường. Hai bên đường có những hàng cây điệp cao vút, những bông điệp già khô héo không còn đủ sức bám vào cành, đã nhịp nhàng rơi xuống xoay theo hình cánh chuồn chuồn, một hình ảnh giống như: “đường Phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau” thật khó mà quên được.

Vào những giờ ra chơi hồi lớp 9 lớp 10, bọn con gái thường rủ nhau ra phía đằng sau dẫy lớp học chơi “U”, một vài lần có đứa bị rách nguyên vạt áo dài. Những ngày cây me keo đã có trái chín đỏ, bọn con gái thường đòi mấy đứa con trai trèo lên cây hái me cho ăn, ăn xong con chê là “trời ơi sao mà chua lè”.

Những buổi sáng đến trường bằng xe đưa rước, trong lòng rộn rã khi nhìn thấy người ấy đang đứng chờ mình bước xuống xe. Nhiều hôm bụng đói chỉ mong người ấy đã mua sẵn cho mình một ổ bánh mì thịt để sẵn trong cặp táp. Những lần giận hờn vu vơ, không thèm nói chuyện khi đang đi ngang qua lớp học để người ấy buồn vời vời suốt buổi học. Những lúc tan trường, người ấy thường dắt xe theo sau ngỏ ý muốn chở về dùm, nhưng tôi không chịu vì sợ bị ba má la.

Thu sang hoa Hoàng Hôn nở rực rỡ sắc vàng, hoa của hoàng hôn rồi cũng tàn theo hoàng hôn để không gian đem cái lạnh của mùa Động về với cỏ cây. Những ngày đầu mùa Xuân, nắng vàng ấm áp lung linh trên hành lang lớp học, ngọn gió Xuân nhẹ nhàng thổi vào khung cửa lớp, ban báo chí của trường nhộn nhịp làm báo Xuân. Tôi vẫn luôn nhớ tờ báo Xuân được xuất bản vào năm cuối, con nhỏ bạn thân nhất của tôi đã trang trí bìa tờ báo màu hồng có vẽ hình một nữ sinh tóc dài xõa ngang vai tay ôm sách vở tung tặng trên con đường nở đầy hoa của tuổi thơ. Báo Xuân vừa in xong cả bọn chia nhau ra từng nhóm đem đến các trường bạn để bán. Đi cả ngày nhưng cũng có hôm bán chẳng được bao nhiêu đành phải mang về. Thầy Vị ngao ngán đứng chống nạnh nhìn chồng báo, và dù trong lòng thầy không mấy gì vui lắm nhưng thầy vẫn nói lời an ủi: “mấy đứa bán không hết thì thôi, dem về văn phòng cho tui”.

Hè đến ve sầu kêu ra riết khúc nhạc chia ly buồn vời vợi trên những cành cây Điệp, Phượng Vỹ nở tung rực đỏ cả trời. Những quyển lưu bút được chuyền nhau để ghi lại những kỷ niệm thương yêu, buồn vui giận ghét trong chín tháng qua. Đám học trò năm ấy đã chia tay, và vẫn y như mọi năm, họ đã hẹn sẽ gặp lại trong mùa tựu trường tới. Ba tháng ta từ dù ngắn nhưng vẫn thấy thật dài để lòng buồn man mác, ngày tựu trường năm ấy cũng đã trở lại. Phượng Vỹ đã thôi nở, sân trường vắng tanh, lớp học bàn ghế im lìm, bảng phấn nằm cô đơn trên bục gỗ. Đám học trò năm xưa đã không trở lại trường…

Mắt tôi bỗng nhòa đi, không phải vì ánh nắng gay gắt của mặt trời, nhưng có lẽ là những giọt nước mắt tiếc thương ngôi trường thân yêu cũ, xót xa cho một quá khứ tuổi thơ đã thật sự trôi qua như một dòng sông.

                                                                                                   

 Lưu Thúy - Minnesota 12/09                                                                                Chuyện kế tiếp =>