Thời tiết mùa hè ở Melbourne năm nay thật kỳ lạ. Chỉ còn một tháng nữa là sang Thu nhưng chưa có được những ngày nóng thật sự cháy da như những năm qua. Trời mát dịu với nhiệt độ trong khoảng 20oC – 23oC, một nhiệt độ lý tưởng cho những ngày Thu chưa sang. Tuy nhiên, bầu trời thường xuất hiện từng cơn gió mạnh không phải để thổi rụng những chiếc lá vàng (vì chưa có), mà lại “bứt” đi những chiếc lá xanh còn quấn quít trên cành. Một dấu hiệu gì đây? Có phải chăng thời tiết ở Nam Bán Cầu năm nay muốn hòa điệu cùng thời tiết Bắc Bán Cầu đang chập chững bước vào Xuân, nơi có quê hương tôi, chuẩn bị đón thêm một cái Tết với nhiều hy vọng, mà, giúp tôi mơ tưởng nhiều kỷ niệm với những cái Tết năm xưa nơi quê nhà sau gần ba mươi năm trời viễn xứ trong lãng quên. Một sự lãng quên không “vô tình” vì hằng năm tôi vẫn thường nhớ đến những cái Tết thời còn trai trẻ với những bài hát cứ vấn vương trong đầu như: ”Mừng Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi……” hay “Mùa Xuân sang có hoa Anh Đào….” trong những dịp tổ chức văn nghệ cuối năm ở trường.

 

              Tôi và vợ cùng với một đứa con còn nhỏ mới sinh được … 20 ngày rời Việt Nam vào cuối tháng 5 năm 1979 và đến Hồng Kông vào đầu tháng 6, cho nên tôi có nhiều chuyện lo toan hơn những người khác. Do vậy, vừa đến bến bờ tự do, tôi phải bôn ba, bương chải kiếm việc làm và sẵn sàng làm bất cứ việc gì để bảo bọc cho cái gia đình bé nhỏ của mình. Ngày tháng cứ thế trôi qua mà tôi không còn khái niệm thời gian là gì, chỉ biết ráng đi làm kiếm tiền hầu tích lũy được một ít vốn để chuẩn bị cho cuộc sống mới nơi một nước thứ ba.

 

              Một hôm, chúng tôi, những công nhân làm trong một xưởng lắp ráp radio-cassette cho xe hơi được thông báo là trong hai tuần nữa sẽ được nghỉ một ngày ăn Tết nhân dịp đầu năm Âm lịch. Lúc đó tôi mới sực tỉnh là cái Tết đã cận kề. Trở về trại, tôi nhắc Bà Xã coi chuẩn bị mua ít đồ cúng ông bà và đón Giao Thừa mặc dù trong trại tỵ nạn thiếu thốn mọi bề và tôi cũng không thiết tha gì mấy. Rồi thì ngày Tết không đợi cũng phải đến trong bâng khuâng và tò mò. Không biết cái Tết của Hồng Kông có giống như cái Tết của mình hay không?

 

              Hy vọng là với một quốc gia mà đa số là người Hoa, Phật Giáo là Tôn giáo chính thì cái công việc đón Tết của họ chắc không đến nổi nào, mình có thể vui ké. Tuy nhiên tôi hoàn toàn thất vọng cho cái ảo tưởng của mình. Nằm trong mùng đón Tết với cái giá rét cắt da của khí hậu khắc nghiệt Hồng Kông trong một đêm Giao Thừa hoàn toàn im ắng và buồn thỉu, buồn thiu. Không một tiếng nhạc mừng Xuân, không một tiếng pháo đón Xuân (vì nơi này đã bị cấm đốt pháo từ nhiều năm trước), chỉ có hai vợ chồng lục đục cúng ông bà trong cái không khí tẻ nhạt của đêm Giao Thừa và trong một diện tích chưa tới 4m2 nhưng hỗn độn và bề bộn của trại tỵ nạn dành cho mỗi đơn vị gia đình. Sáng Mồng Một, được nghỉ một ngày, chúng tôi lân la chúc Tết những gia đình mới quen, ai nấy đều nở những nụ cười gượng gạo trên môi. Vì sao? chắc quý vị cũng hiểu.

 

              Cái làm cho tôi nhớ nhiều nhất là thời tiết lúc đó. Nếu tôi nhớ không lầm thì chỉ có 10oC (đêm Giao Thừa). Với một người mới đến từ một quốc gia mà nhiệt độ trung bình là 30oC thì với cái lạnh như thế thì thật là ghê gớm (chứ như bây giờ thì ăn thua gì), vì thế trong lòng tôi càng thêm tê tái và nhớ nhà kinh khủng.

 

              Còn một điều nữa cùng cần nói ra, mà tôi nghĩ đã có nhiều người biết, là ở Hồng Kông hầu như không còn tìm thấy tình người, nhất là giới trẻ, họ luôn tự nhận mình là người Anh, không phải người Hoa, vì trong khai sanh luôn mang tên tiếng Anh với quốc tịch Anh và họ hãnh diện điều đó, thậm chí họ còn bôi bác người Hoa nữa. Sở dĩ tôi biết được là vì tôi có tiếp xúc với nhiều người trẻ (lúc đó tôi cũng còn trẻ mà) và họ khẳng định với tôi như thế. Do ảnh hưởng lối sống của mẫu quốc cho nên cách cư xử luôn luôn lạnh lùng, vô tình, nặng tính chất bề ngoài, dóc tổ, không thành thật, và …kỳ thị cả những người tóc đen, da vàng, mủi tẹt…như tôi. Vì vậy tôi không hứng thú khi phải tạm ở đây. chỉ mong được đi định cư ở một nước thứ ba càng sớm càng tốt. Không phải tôi là một người bạc nghĩa, vô ơn đối với những người đã cưu mang mình. Không, không phải thế! Tôi rất mang ơn chính phủ Hồng Kông đã không quản ngại khó khăn mà chấp nhận chúng tôi trong những bước đầu làm lại cuộc đời. Tôi luôn ghi nhận ơn sâu này, nhưng bảo tôi phải nhận Hồng Kông là quê hương thứ hai thì nhất định không, vì nơi đó tôi tìm thấy tình người…nhạt hơn nước ốc.

 

              Cuối cùng thì cái gì phải đến, đã đến sau 12 tháng trời lây lất trong trại tỵ nạn. Chiếc phi cơ Boeing 747, QF28 của hãng Hàng Không Úc Đại Lợi Qantas đã mang chúng tôi tới một quốc gia rất còn xa lạ, chỉ nghe nói mà thôi chứ không biết nó nằm ở đâu trên bản đồ. Từ trên cao nhìn xuống lúc phi cơ gần đáp, nói thật, tôi thì thất vọng không ít. Xứ sở văn minh gì mà không thấy nhà lầu cao tầng, không thấy nhà máy “xịt khói” mịt mù, mà chỉ toàn là nhà trệt lụp sụp, thấp lè tè, còn nữa, trước đó, máy bay bay ngang một vùng sa mạc vàng cạch, mênh mông mất hơn 5 tiếng đồng hồ. Tôi nghĩ, thôi chết rồi, không lẽ chạy trốn kinh tế mới ở Việt Nam, bây giờ lại chui vô vùng kinh tế mới khác, lớn hơn mà lại lạ hoắc, lạ quơ. Biết làm sao bây giờ, “thôi đành nhắm mắt đưa thân, để xem con tạo, nó dzần mình ra răng”.

 

              Những điều tôi lo sợ lúc còn trên máy bay hoàn toàn vô căn cứ, trật lất, sai be, sai bét. Chúng tôi được đón tiếp như những vị “anh hùng” vừa trở về từ trận mạc tưởng tượng. Họ đã đón tiếp chúng tôi thật chân tình, thật an ủi, lo lắng và đầy ắp tình nhân loại. Chỗ ở, chỗ ăn (ngày ba bữa), quần áo, dày dép được chuẩn bị thật chu đáo… nói chung là mọi nhu cầu cần thiết cho một cuộc sống mới bắt đầu đều được chăm sóc từ A đến Z, chúng tôi chỉ việc ăn, ngủ, chơi (không có bời), xem tivi, coi phim…và học Anh Văn để chờ ngày hội nhập vào xã hội mới. Ngay cả những việc cá nhân như drap giường, áo gối, khăn tắm.., mỗi ngày họ đều cho người tới thay và đem đi giặt. Có phải thiên đường không? Thiên đường ở trần gian chứ còn gì nữa.

 

              Người ta thường nói “nhàn cư vi bất thiện”, ở đây chúng tôi không làm điều gì ác, điều gì xấu, nhưng, sướng quá sanh tật. Tự mình đánh giá cao mình rồi lựa “job”, mặc dù thỉnh thoảng có xe của các hãng xưởng, công ty tới trại tạm cư của chúng tôi nhận người đi làm sau khi tốt nghiệp một khóa Anh Văn căn bản. Chê ỏng, chê eo để kéo dài thời gian sung sướng, trong số đó có tôi. Nói vậy chứ tôi và một số người khác được ưu tiên vì có con nhỏ, tôi xin nói rõ là xứ Úc này rất quý con nít vì dân Úc không chịu đẻ, cho nên tôi cũng được dựa hơi mà không phải gấp gáp đi kiếm việc làm, mặc dù không ai thúc ép, trừ phi lì quá như thằng bạn của tôi (hắn đã ở trong trại tới 16 tháng vì có 3 đứa con).

 

              Những ngày tháng thong dong tự tại trong trại tạm cư, ngoài giờ học, chỉ việc đá banh, tắm biển, bắt bào ngư (ở Úc bào ngư nhiều vô kể, lúc đó người Úc chưa biết đây là loại hải sản quý, hiếm nên chúng tôi tha hồ bắt, vừa ăn, vừa phơi khô, đến nổi bào ngư lớn không kịp cho tụi tôi bắt, bây giờ thì khỏi đi, lớ quớ là bị phạt tới sạt nghiệp luôn), đi shopping (chuyên môn sử dụng xe lửa…cọp, nếu bị phạt, cứ việc đưa địa chỉ nơi mình cư ngụ là được tha liền), và nếu có đi lạc, khỏi lo, “nắm đầu” một ông Police nào đó mà mình bắt gặp trên đường sẽ được anh “bạn dân” chở về ngay tuýt suỵt, hoặc trường hợp của tôi hơi đặc biệt là lúc đó anh “bạn dân” đang bận, anh ta bèn kêu “taxi” chở tụi tôi về và trả tiền trước, khoái không. Cho nên tôi đã chuẩn bị thật chu đáo cái Tết đầu tiên nơi quê hương thứ hai (lúc này tôi đã “chịu” nhận Úc là quê hương thứ hai !) với toàn là bào ngư. Món nào cũng thành phần nguyên liệu chính là bào ngư: món mặn, món xào, món hầm, món soup, có cả bào ngư nhúng dấm,… đặc biệt là món bào ngư nướng ướp với dầu hào trộn tỏi bầm, đầu Xuân lai rai với vài chai bia 750ml, thật là sung sướng

 

              Do vậy, tôi đã được hưởng một cái Tết đầu tiên an bình, ấm áp, hạnh phúc và hưởng thụ nhất với vợ con và bạn bè đồng hương xung quanh. Một cái Tết khó quên cho những ngày đầu lập nghiệp nơi xứ người, một xứ sở toàn là sa mạc khô khan nhưng đầy ấp tình nhân ái và thật thà.

 

              Tiện đây tôi xin nói thêm một chút chuyện vui về những ngày đầu sắp sửa đi định cư. Vì không biết gì nhiều về đất nước mà mình sắp đến, tôi mon men đi hỏi những người chung quanh cũng sắp sửa lên đường như mình về đời sống, sinh hoạt của nước Úc ra sao. Không biết thì thôi, họ lại “nồ” tôi dân Úc không ăn gạo, chỉ toàn là bánh mì, không có nước mắm, không có chén, đủa. Cuộc đời tôi, từ nhỏ tới lớn, một hai ngày không có cơm, không có nước mắm là không chịu được, nhưng biết làm sao, không lẽ mang mấy bao gạo theo thì chịu đựng được bao lâu. Thôi thì, người ta sao mình vậy, duy chỉ có một điều làm tôi lo lắng là lúc đó con tôi đang bị bịnh nên tôi đành phải đem theo 2 kg gạo vì cần nấu cháo cho cháu và mua thêm mấy cái chén, mấy đôi đũa. Thật tẻn tò vì bị hố nặng, nhà quê ơi! là nhà quê. Đúng là bị quê một cục thiệt bự.

 

             Sau vài ngày nghỉ “mệt”, có mệt đâu mà nghỉ, nhưng có lẽ muốn cho chúng tôi tỉnh hồn ở một nơi xa lạ, nên Ban Điều Hành Trung Tâm mới tập trung chúng tôi lại và tuyên bố là sẽ chở chúng tôi tới một nơi mà họ không cho biết trước nhưng bảo đảm sẽ rất thích. Không sai chút nào, nghĩ mà tội nghiệp cho Chính Phủ Úc, họ lo cho mình còn hơn là lo cho con cái họ. Nơi chúng tôi được đưa đến là một tiệm tạp hóa, nói nôm na là shop tàu cho dễ hiểu và là tiệm duy nhất lúc đó thuộc khu phố Richmond (đây là nơi những người Việt tỵ nạn đầu tiên làm ăn, sinh sống) do người Việt làm chủ, bà chủ tiệm đón tiếp chúng tôi thật niềm nở và hỏi han lia chia. Thôi thì khỏi cần giải thích, quý vị cũng hiểu là chúng tôi vui mừng cở nào. Cái gì cũng có, xá gì ba cái lẻ tẻ như gạo, muối, nước mắm, xì dầu, chén bát… ngay cả vật dụng nhà bếp, rồi tôm, mực, cá, các loại thịt heo, bò, gà … cũng có luôn, chúng tôi tha hồ mua sắm những gì mình cần, lúc ra về còn được bà chủ tiệm tặng cho mỗi người một cây móc...lỗ tai, ai nấy cám ơn rối rít vì được gãi đúng chỗ ngứa, nhưng lúc đó đâu biết rằng đây là đìều tối kỵ (ngoáy tai bằng vật kim khí nhọn).

 

              Tới đây có người sẽ thắc mắc, tiền đâu mà mua sắm khi vừa mới chân ướt, chân ráo đến nơi này. Lại một điểm son nữa cần phải nhắc đến là Chính Phủ Úc chu đáo đến mức đã ứng trước cho chúng tôi mỗi gia đình là $150, tùy theo gia đình nào đông người thì được nhiều hơn, người nào độc thân thì được ít hơn (lương một công nhân lúc đó là $150/tuần chưa trừ thuế và tiền chợ mỗi tuần là khoảng $20 cho một gia đình 4 người) mà không cần biết chúng tôi có tiền hay không, rồi sẽ tính sau, khi chúng tôi bắt đầu nộp đơn xin trợ cấp. Nhờ thế mà chúng tôi đã chuẩn bị được một cái Tết đầu tiên thật rôm rã ...

 

              Ba mươi năm trôi qua, một khoảng thời gian đủ dài và rất quan trọng cho một đời người, và, tuổi già cứ xầm xập “nhào” tới, vậy mà tôi chưa một lần được hưởng lại cái Tết nơi quê nhà. Không phải là không thực hiện được nhưng vì công việc cứ bân bịu vào thời đìểm không thích hợp, rồi cứ hẹn lần, hẹn lữa, đành phải ngồi ghi lại kỷ niệm của những cái Tết đặc biệt năm xưa ...

 

WL sưu tầm

   Chuyện kế tiếp =>