Quê tôi ở gần vùng Đồng Tháp Mười nên ngày xưa, vào mùa nước nổi, gần như năm nào cũng bị ngập, không lớn thì nhỏ. Hồi đó người ta gọi là nước lụt chớ không gọi là lũ và cũng chưa có khái niệm “sống chung với lũ”. Nhưng hễ năm nào có nước lụt lớn là tết năm đó ăn cá... mệt nghỉ. Thường thì chu kỳ khoảng 5 năm có lụt lớn một lần, như năm 1961, 1966 và 1978, 1984...


- Vạn thọ Tết ở vườn hoa Sa Đéc -

Thời chiến tranh, vùng Đồng Tháp Mười gần như bỏ hoang, không có người ở, nên đến mùa nước lụt thì cá từ Biển Hồ (Campuchia) theo dòng nước chảy tràn về Đồng Tháp Mười rồi xuống vùng hạ lưu nhiều vô số kể. Hồi đó cũng chưa có bờ vùng, bờ bao, nên nước đến rất nhanh rồi sau đó cũng rút cạn rất nhanh. Dĩ nhiên những năm lụt lớn thì hầu hết nhà cửa đều bị ngập. Vì vậy người ta phải bắc cầu, đóng cọc ngay giữa nhà và hạ vách tre xuống làm sàn, đồng thời phải đi lại bằng xuồng.

Nhưng nước lụt cũng mang theo nhiều nguồn lợi: Đầu mùa nhà nào cũng mua lưới về giăng bắt cá rô. Giữa mùa thì giăng câu bắt cá lóc, cá trê. Đến khi nước rút, tôm cá từ trên ruộng chạy xuống đìa, người ta lại tát đìa bắt cá để dành ăn tết.

Chính vì vậy mà quê tôi đến giờ vẫn còn tồn tại rất nhiều ao, đìa ở xung quanh nhà nhưng chẳng biết để làm gì, bởi bây giờ đâu còn nhiều tôm cá. Nhưng hồi đó ao đìa được chăm sóc rất cẩn thận, năm nào người ta cũng nạo vét thật sâu rồi thả chà, thả lục bình, chờ đến khoảng 25 tháng Chạp thì tát bắt cá. Thời đó chưa có máy bơm nước nên đìa được tát bằng gàu dai. Gàu dai được đan bằng tre có hình chóp, miệng tròn, đít nhọn, mỗi bên buộc hai sợi dây luộc (loại dây được thắt bằng bẹ chuối khô) dài chừng 3m vào miệng và đáy gàu, để hai người đứng ở hai bờ miệng đìa nắm hai đầu dây cùng tát.

Vì đìa rất sâu và dài, có đìa dài tới cả trăm mét theo hình chữ L hoặc chữ U nên có khi tát gần nửa ngày mới cạn. Khi tát cạn, chủ đìa dàn hàng ngang từ 3-4 người để mò cá, vì cá lóc thường chúi rất sâu dưới bùn. Theo sau là cả chục người đi... bắt hôi và họ thường bắt được những con cá bị sót bự chảng khiến chủ đìa tiếc hùi hụi.

Mỗi lần tát đìa như vậy thì lượng cá được tính bằng giỏ lớn và rộng bằng nhiều thạp da bò để dành ngày tết. Chủ yếu là cá lóc, cá trê vàng và cá rô lớn bằng 3 ngón tay trở lên, còn cá sặt, tép, cá chạch, lươn... thì không kể. Cá nhiều vậy nên món ăn ngày tết cũng rất nhiều cá. Cá rô kho với thịt, cá lóc nấu canh chua, cá lóc nướng rồi xé trộn rau răm, cá trê vàng nướng dầm mắm gừng...

Cũng vào khoảng 23 tháng Chạp, sau khi “đưa ông Táo về trời” thì nhà nào cũng lo xay bột để tráng bánh. Trước đó chừng nửa tháng thì phải đắp lò bằng đất sét trộn với trấu, để cho khô. Nồi tráng bánh xưa má tôi dùng bằng cái ơ đất, bên trong chứa 2/3 nước luôn nấu sôi và bốc hơi, phía trên mặt thì bọc một lớp vải trắng để đổ bột. Dụng cụ để quây bánh làm bằng phần dưới của miểng dừa được cạo cho thật láng rồi tra cán dài chừng 5 tấc. Ngoài ra, còn có cây lẹm được vót bằng tre thật mỏng để lấy lấy bánh ra. Nhiều vĩ phơi bánh được đan bằng lá dừa và một ống tre tròn để cầm bánh đem phơi. Thường phải mất một ngày nắng gắt bánh mới khô và nướng ăn được.

Nhưng trong khi chờ ăn bánh tráng nướng thì lũ nhỏ chúng tôi được dịp ăn bánh ướt. Vì tráng bánh cùng thời điểm với tát đìa nên tép đựng cả thúng. Má tôi lựa ra một số đem luộc rồi hái đọt vừng, đọt lụa và nạo dừa cho anh em tôi cuộn tép với bánh tráng, chấm nước mắm. Khi tôi còn bé thì chưa có bột ngọt nên chỉ làm nước mắm tỏi, ớt thôi. Bấy giờ nước mắm Phan Thiết đựng bằng cái tỉn chừng một lít rưỡi, chẳng biết bao nhiêu độ đạm nhưng rất thơm. Khi ăn, cảm thấy rất ngon bởi vị ngọt của tép và cơm dừa, vị chát của đọt vừng và vị chua của đọt lụa cùng với vị mặn, thơm lừng của nước mắm Phan Thiết. Mà nước mắm hồi đó người ta đâu có ủ bằng... phân urea, ngon lắm!

 

Mắm kho

Ở miệt quê Tháp Mười, không ai lại không biết đến bông súng chấm mắm kho, món ăn dân dã nhưng hương vị đậm đà khó quên mà không phải nơi nào cũng có. Mỗi năm, hễ ăn Tết xong là bà con bắt đầu tát mương, vũng, đìa để bắt cá đồng, con to đem bán, con nhỏ mang về làm mắm, chờ qua mùa nước nổi thì giở ra ăn dần…

Mắm kho ngon nhất là chấm với bông súng ở đìa, mà không phải bông súng nào cũng ngon như nhau, chỉ có loại bông súng trắng, cọng nhỏ cỡ chiếc đũa ăn cơm, ăn mới mềm, có “hậu” ngọt… Mùa nước về bông súng càng lên nhanh trắng đồng, nhổ về để nguyên cọng rửa sạch, tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay, để trong rổ cho ráo nước. Mắm dỡ ra có màu đỏ thẫm thơm lừng, bông súng bỏ vào chén, chan nước mắm kho lên trên. Chất cay của ớt, the của sả, ngọt của tép, cái giòn của bông súng tạo thành món ăn tuyệt vời, đơn sơ, ít tốn kém mà vẫn đậm đà hương đồng gió nội.

 

Bông điên điển

Một “đặc sản” khác của Tháp Mười mà không ai co' thể bỏ qua đó chính là bông điên điển. Gọi là "đặc sản" vùng lũ, vì hằng năm cứ vào mùa nước lên là bông điên điển trổ vàng khắp cánh đồng nước nổi. Ai đã từng đến miền Tây vào mùa nước nổi thì không thể không biết đến nồi canh chua bông điên điển. Khi con nước tràn ngập các bờ sông, bờ ruộng cũng là lúc điên điển trổ đầy cành những đoá hoa vàng rực màu nắng phương Nam, phất phơ trong ngọn gió hoặc rũ oẳn trong những cơn mưa. Đến Tháp Mười vào mùa này, bạn sẽ thấy dọc theo hai bờ những tuyến kênh dài hàng mấy chục cây số, bông điên điển nở rộ thành từng chùm, ửng vàng chen lẫn sắc xanh của lá. Bông điên điển giờ đây đã trở thành đặc sản “cây nhà lá vườn”, được chế biến thành nhiều món ăn ngon mà những người con quê hương nếu có đi xa sẽ còn lưu giữ mãi trong ký ức.

Tết này về quê, thấy đứa cháu đem bánh tráng ra nướng, tôi hỏi ở đâu, nó nói là mướn người trong xóm tráng. Hỏi bao nhiêu?, nó nói một chục lít gạo người ta lấy tiền công 10.000đ. Gạo, dừa, mè... là của mình. Chạnh nghĩ người dân quê giờ kiếm tiền khó thật. Một chục lít gạo xay thành bột phải tráng gần một buổi mới xong. Lấy 10.000đ nhưng phải ngồi bên bếp lửa nóng hừng hực, ẹo lưng, rát mặt, chớ đâu phải dễ.

Bánh phồng 
Nhưng tráng bánh dù sao cũng còn ít công phu hơn là quết bánh phồng. Ngày xưa, cả vùng quê chừng 3-4 xã chỉ có 1-2 nhà máy chà lúa. Mỗi lần chà gạo, nhà không có đồng hồ, má tôi phải thức dậy từ lúc gà gáy bận nhứt để bơi xuồng đi chừng 4-5 cây số tới nhà máy chà bắt số thứ tự. Khi chà được gạo thì mất hơn nửa ngày. Tốn công như vậy nên ngày tết muốn ăn bánh phồng thì cứ đem nếp vỏ ra cối xay thành nếp ruột rồi cho vào cối giả trắng, sau đó đem đi ủ rồi nấu thành xôi. Công đoạn tiếp theo là cho xôi vào cối rồi tiếp tục quết bằng chày cũng giống như là giã gạo.

Cũng từ lúc gà gáy bận nhứt, ba má tôi phải thức dậy và quết liên tục cho tới sáng, khi nào xôi đã thành bột thật nhuyễn mới đem ra cán thành bánh phồng và đem phơi. Quết càng lâu, càng nhuyễn thì khi nướng bánh phồng sẽ càng nở lớn. Cũng vì vậy mà những ngày cận tết, ở nhiều vùng quê xưa, khi chân trời phía đông rạng lên những ánh hồng thì người ta nghe rền vang âm thanh cùm cum, cùm cum thật nhịp nhàng của tiếng chày quết bánh phồng xen lẫn với tiếng gà gáy sáng.

 

  Tuyến Lê Sưu tầm