Trang 13

Trước thềm năm mới,
Hội CHSTT kính chúc thầy cô,
mến chúc các bạn hữu và gia quyến,
một năm Đinh Hợi an khang thịnh vượng

 

Bữa đó Năm Loan Sira  (em tui) đưa cái thiệp, vừa đưa vừa hỏi (con nhỏ nầy ít chịu làm mất thì giờ, chuyện gì nó cũng làm gọn gàng một công hai việc!):

“ Đi đám cưới được hông, đi đặng thay mặt gia đình bên vợ”

Tui nghinh nó:

“ Hỏi lạ. Đi chớ sao hông – kéo tấm thiệp ra coi - Đám cưới con Trinh hả. Bữa nào? mà thay mặt để làm cái “rì” ?”

Sira  cười cười:

“ Thì... thì... mượn lên đèn, thì... thì... nói dùm lúc nào cô dâu chú rể xá, bái lúc đàng trai đàng gái đứng trước bàn thờ ông bà đó...”

Tui chới với:

“ Trời . Mầy làm như tao rành mấy vụ nầy lắm vậy. Hồi đám cưới con tao, tao làm tùm lum có đầu có đuôi gì đâu”

Sira an ủi:

“ Thì tại người trong chuyện ưa rối trí, mới phải mượn người ngoài. Hổng lẽ ông Kỳ ổng biểu “a...a... thôi tụi bây xá tao với má bây hai xá... nghe nó kỳ kỳ... làm cho đúng như hồi xưa người ta có người trưởng tộc lo vụ đó, bây giờ mình hổng có thì mượn anh chị trong nhà, người nào gia đình đầm ấm vợ chồng ăn ở lâu năm để chia hên cho tụi nó.... ( thấy tui còn đang ngần ngừ suy tính – cha... tốn tiền may áo dài...- nó phang thêm một câu dứt điểm) -Tụi nó mướn người quay phim, cho bà làm đào chánh”

Hứ, con nhỏ thấy lù đù chậm lụt vậy mà cũng khôn quá! Nó biết tui thích được chụp hình, nó đem cái máy quay phim ra dụ. Tui nói:

“ Ừ. Làm liền. Sợ gì. Miển là hỏi lại người lớn coi làm sao cho đúng, biên ra giấy rồi y theo đó mà thi hành. Dể ợt!”

Miệng nói dể ợt mà trong bụng đánh lô tô bầu cua cá cọp.

(Tưởng cũng nên giới thiệu cho rõ, Kỳ là tên chồng nó, Trinh là tên con gái nó, còn nó, tại sao mà có tên Sira, hổng phải Tây Tàu gì đâu , sira là xira đánh  giày đó, vì hồi nhỏ nó đen lắm, bị tuị bạn hang xóm đặt cho biệt hiệu Xira, riết thành chết danh luôn!)

Ở Mỹ nầy đi biết bao nhiêu cái đám cưới Mỹ có Việt có, Mỹ Việt chung cũng có, từ đám cưới giản dị như hai đứa con nít nắm tay nhau vô mấy cái Chapel ở thành phố Reno tiểu bang cờ bạc Nevada chỉ cần trả tiền công vài chục cho ông mục sư , chú rể bỏ ra vài chục mua chiếc nhẩn giả đeo vô ngón tay cô dâu là có cái đám cưới với hôn thú đàng hoàng cho tới đám cưới lớn rình rang đãi đằng hai họ cưới rồi mang nợ trả cầu cã chục năm mới xong, mà tui nào có rành gì về vụ đám cưới?

 

 

 

 

Hồi cưới dâu trưởng tui giao cho bên đàng gái lo hết, chỉ xĩa tiền ra trả mà thôi. Tui nhớ là lo phần mướn quần áo cưới cho cô dâu chú rể và bà má vợ xong, bỏ cọc đặt tiệc ở nhà hàng rồi đợi tới ngày cưới. Ngày đó chú rể phù rể và sáu đứa con trai sáu đứa con gái bạn nó bưng mâm đi rước dâu. Trưa lại hẹn nhau ở nhà thờ chúng tôi đứng đợi sẵn với ông mục sư, ông già vợ cặp tay cô dâu bàng giao qua chú rể rồi ông mục sư làm lễ hôn phối trao nhẩn hai cô cậu hun nhau xong nắm tay nhau bước ra khỏi nhà thờ, mọi người thủ sẵn gói gạo rải trắng giả trên đầu trên cổ hai vợ chồng mới cưới để lấy hên rồi cô dâu liệng trở lại bó bông nãy giờ cầm trên tay cô nào “chỗng chừa" số hên dành dựt được bó bông đó là có hy vọng tới phiên mình bận áo cưới một ngày không xa. Về nhà, sau khi chúng tui tiếp tay lên cặp đèn Long Phụng, đốt nhang vái ông bà về chứng kiến trình diện đôi vợ chồng mới cưới, tụi nó xá bàn thờ; cha mẹ và bà con bên chồng xong, tui đeo cho cô dâu vài món nữ trang rồi là xong phần lể bên đàng trai. Hai vợ chồng nó ra vườn chơi chụp hình. Chiều lại hẹn nhau ở nhà hàng đãi tiệc. Mời 6 giờ nhưng 8 giờ khách mới tới... gần đủ. Đãi xong, trả tiền rồi nhà ai nấy về. Qua cái đám cưới thiệt là giản dị cũng mệt hụt hơi. Nhiều người chê là đám cưới hổng theo đúng thủ tục nhưng tui chỉ theo ý của hai vợ chồng nó không muốn làm rình rang chi cho mất công. Chuyện mình xí xóa như vậy, chuyện em mượn, còn đòi Làm Cho Đúng. Làm đúng thì chỉ có lần đi đám cưới ở Hà Tiên mới kêu là đúng thôi.

Để nhớ coi...

Năm đó ba tui còn sống, tui mới 18, tức là khoảng năm 1967. Cậu cũa ba cưới dâu trưởng, mời ba má đi. Ba đi không được, dĩ nhiên má cử tui với nhỏ Ngọc Anh đại diện gia đình sẵn dịp khoe con gái đang tới tuổi gả chồng. Là tui!!!

Ở Việt Nam thời đó từ tuổi 16 trở lên là cha mẹ bắt đầu mong có người ngấp nghé con mình. Có đám con gái đang tuổi cập kê trong nhà như bom nổ chậm, cứ sợ phập phồng. Sợ nó hư. Sợ nó làm xấu gia đình. Sợ nó mang bụng chửa, không chồng mà chửa là chết con ơi... Người xưa thường nói: “Ối có con gái trong nhà như hủ mắm, sợ bể bất tử thúi rầm nhà!!!”

Ba má tui có tất cả bảy đứa con gái, một đám đò dọc (*1) làm sao không sợ cho được?

Từ bến xe đò đi Lục Tỉnh tại chợ An Đông hai chị em theo cô Hai với hai đứa chị bạn cô cậu và bà dì út của ba lên đường xuống Rạch Giá. Trên đường đi ăn hàng đã đời nào là bánh tét lá dừa nhưn đậu bùi bùi bắp nấu dẻo nhẹo thơm ngọt bánh bò nước dừa béo quá béo mít nghệ thơm phứt ngọt ngào đã miệng dâu miền dưới chua chua ngọt ngọt... đang sức ăn sức lớn đặng bẻ gãy sừng trâu mà.

Tới Rạch Giá xuống xe mướn phòng ngủ xong dì cháu thả bộ ra chợ Rạch Giá ăn cơm. Ở đây có món canh chua cá bông lau đặc biệt nổi danh. Mà ngon thiệt! Không biết tại vì lạ miệng, vì bụng đói hay sao mà thấy ngon thấu trời! Tô canh nóng bốc khói, trên mặt vài lát bạc hà xanh mướt, vài lát cà chua màu cam, vài lát ớt đỏ bầm mỏng dánh, miếng cá trắng tươi, rau ngò ôm, rau quế hành lá xắc nhỏ, tỏi phi xả bầm rải lên. Húp một muổng canh vô miệng, chua chua ngọt ngọt đậm đà mùi cá, mùi vị còn nhớ tới bây giờ.

Ăn hổng biết bao nhiêu chén cơm, chưa đủ no phải nhớ ngưng lại vì lời má dặn: “con gái đừng ăn tạp nghe. Hổng phải ở nhà nghe, ra chỗ đông người, nhứt là đi đám cưới ai cũng dòm ngó đừng để người ta cười cha mẹ hổng biết dạy, ăn phải coi nồi ngồi coi hướng nghe tụi bây...” Cho nên, ngó thố cơm gần cạn ăn chưa thấy no đành phải ngưng!

Sáng sớm hôm sau xuống đò máy, chạy dọc theo bờ sông một khúc đường rồi vượt qua cái eo biển xuống Hà Tiên.

Chiếc đò lớn chở được mấy chục mạng, mấy dì cháu mướn mỗi người một cái vỏng, nằm thì đở bị say sóng. Hai chị em tui, lần đầu được đi “du lịch” tự do sướng quá trời đâu cần nằm vỏng chi cho phí thì giờ? còn đang tuổi mơ mộng, phải nhìn hai bên bờ sông, tui ngắm cảnh con nhỏ thi sĩ lơ tơ mơ Ngọc Anh tự là Tư Điệu,  tìm vần thơ chớ.

Gió mát lồng lộng thổi. Tiếng máy nghe xình xịch xình xịch xịch... Hai bên bờ sông, màu xanh cây là màu nổi bật. Dừa nước lả ngọn theo gió, liễu mọc oằn rũ xuống bờ sông, có khúc đầy một vùng bông màu vàng hực hở. Cô Hai tui nói “Bông điên điển. Bông nầy nấu canh tôm hay là xào với mở heo ngon lắm. Tụi bây ở Sài Gòn đâu có biết mấy món nầy” Tui cãi:

“Con chưa ăn bông điên điển chớ má con có nấu canh bông bí ăn cũng ngon lắm cô”

Cô Hai cười:

“ Ờ. Chắc má mầy nhớ nhà. Nhớ Cần Thơ”...      Đọc Tiếp

                    Trương Ngọc Bảo Xuân

Bấm nút để điều khiển nhạc

 

 
     
     

    Trang Trước   1, Mục Lục, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24     Trang Kế 

  Trang Chính   Hội Ngộ 2007 Houston