Trước thềm năm mới,
Hội CHSTT kính chúc thầy cô,
mến chúc các bạn hữu và gia quyến,
một năm Đinh Hợi an khang thịnh vượng
Ngọn đèn dầu đặt trên chiếc bàn, bên cạnh bộ
ván, tỏa ánh sáng vàng nghệch
không đủ soi sáng cả bộ ván gõ. Bà Tư Kiên kết xong hột nút áo, rồi xếp
cái áo gọn ghẽ, cất vào rổ may để đi ngủ. Ánh sáng chập chờn, tim đèn đã
lụn cho nên rất lù mù. Bà vặn cao tim đèn lên một chút và bỏ chân xuống
khỏi bộ ván, quơ tìm đôi guốc để đi tiểu. Bỗng bà la ú ớ, toàn thân run
bần bật, hai hàm răng đánh lặp cặp :
- “Bớ làng xóm ơi, bớ…bớ…cái gì đây nè! Trời đất ơi! Cái gì vậy nè?”
Tiếng kêu ú ớ như bị bóp cổ. Bên kia vách lá, vợ chồng chị Ba hàng xóm
nghe rất rõ.
- “Cái gì vậy bà Tư? Bà có sao không?”
- “Qua đây coi cái gì ghê quá đây nè!”
- “Không biết cái gì, sao bà la làng?”
Bà Tư không biết thật, bà quơ chân trúng một đống gì mềm mềm, lạnh ngắt,
nó gồng lên và nhúc nhích khi bà đụng nó. Bà kéo chiếc đèn ra mép bộ ván
gõ, trong ánh sáng lờ mờ, nó là một đống to thù lù, láng nhẩy và đen
thui. Bà lại la thất thanh:
- “Bớ người ta! cứu tôi với! “
Vợ chồng chị Ba và mấy đứa con lóc nhóc chạy qua trước cửa, cả xóm nhà
lá nhốn nháo. Ai cũng hỏi : “Cái gì vậy?” và ai cũng trả lời : “Hổng
biết nữa!” vì Bà Tư không mở cửa được, bà co rúm rên bộ ván, bà nép sát
vào vách lá như bị mắc cúm. Thằng cháu cuả Bà Tư đang mê ngủ, bật dậy
chạy ra mở tấm phên tre chắn cửa. Một đám đàn ông trong xóm, người xách
đuốc, kẻ vác hèo uà vô nhà. Dưới ánh đuốc phừng phực, cái đống đen thui,
vun lù đó vẫn nằm im lìm.
- “Rắn! Rắn! bà con ơi! Trời ơi! Con rắn lớn khủng khiếp”.
Mọi người dạt trở ra, Bà Tư cũng không nhớ bằng
cách nào bà đã vọt được ra ngoài. Thật là kinh khủng, mọi cặp mắt mở
thao láo, lông, tóc đều dựng lên. Mọi người im thin thít hoặc xì xào với
nhau, chừng như họ sợ con rắn nghe được. Đêm tối thui, dân cả xóm lao
nhao trước nhà Bà Tư. Thật là rùng rợn, ai cũng sợ, con rắn mà phóng ra
là mình sẽ bị toi mạng. Bị đụng nhẹ họ cũng giật mình như bị rắn mổ. Vậy
mà họ vẫn đánh chùm ở đó. Họ thích cảm giác mạnh, và tò mò, giống như
thấy hình cô gái ma quái, tuy sợ mà vẫn muốn coi, sợ chết mà lại thích
ngấp nghé với sự nguy hiểm. Họ ham hãnh diện, rằng mình biết rành chuyện
nầy, mình có mặt tại hiện trường từ đầu tới cuối. Họ chồm vô coi, rồi
lại rút lui lẹ. Vài người về nhà lấy thêm gậy gộc, dao mác. Những người
dạn dĩ, thập thò ở cửa, thỉnh thoảng rọi đuốc thăm chừng, họ chưa biết
phải làm gì. Họ nện cây hèo xuống đất ình ịch, có người hù để thăm dò
phản ứng cuả con rắn. Trong ánh sáng lờ mờ, dường như con rắn nghe động
cho nên nó từ từ tháo các vòng cuộn tròn và bắt đầu chuyển động.
-
“ Coi chừng! Tránh ra bà con, nó định làm gì đó!”
Giờ phút nguy hiểm đã đến. Chạy! Chạy! Mọi người xô đẩy nhau té bò càng.
Bỗng có tiếng hét như ra lệnh :
-
“Đập nó! đập nó!”
Mấy người hùng dũng xông vô, trong bóng tối chập chờn, những cây hèo đập
vun vút. Con rắn tháo lẹ ra, lăn lộn, vùng vẫy, trườn nhanh vào gầm bộ
ván gõ, nó định chui qua vách lá. Cái đầu nó run rẩy, rà rà theo chân
vách. Con người có phản ứng cũng lạ, càng ghê sợ, càng muốn giết. Tiếng
la hét hì hồ, rối loạn :
- “Đuốc, đuốc đâu?”
- “Đập đầu nó! Coi chừng nó chui lỗ vách.”
Cái bàn và bộ ván được lật lên và
quăng ra sân. Con rắn oằn oại , cái đầu nát bét máu me, nó
nằm bất động. Nhưng mình rắn cứ giật giật, nổi lên cuồn
cuộn, chắc là phản xạ của sự đau đớn. Nhìn kỹ lại, người ta
nói là con trăn, có người nói nó là con nưa. Con trăn thì
không có nộc độc, trăn chỉ quấn xiết con mồi cho ngộp thở mà
chết. Chẳng biết con nưa là loại rắn gì, họ nói con nưa da
có bông, giống hệt con trăn nhưng nưa có nọc rất
độc và có chín lỗ mũi. Cái đầu của con trăn...
...nầy nát bét, chẳng có ai đếm được mấy cái lỗ
mũi! Nếu biết nó là con trăn thì mọi người đâu có sợ như
vậy. Người ta nuôi trăn như súc vật trong nhà. Có người còn
vác con trăn trên vai để đi chơi, vì nuôi quen nên con trăn
trở thành con vật yêu mến. Các vựa cá khô phải nuôi trăn để
trừ chuột, thay vì nuôi mèo. Vì mèo thì lại ăn vụng cá khô.
Sự sợ hãi đã qua, câu chuyện nổ ra như bắp rang, họ tranh
nhau kể chuyện về trăn, về rắn. Ai cũng tỏ ra là mình rành
rất nhiều chuyện rành cả chuyện đường rừng, mặc dù họ chỉ ở
miệt vườn, cả đời chưa bao giờ rời đi đâu cả. Chú Sáu Đế rất
thiết thực, rắn hổ mà chú còn không tha, chú đâu có bỏ qua
cái vụ nầy. Một người rọi đuốc cho chú kéo con trăn ra sân.
Con trăn nặng quá, dài đến hơn hai sải tay, mình nó có khúc
to bằng bắp vế. Chú đặt nó trên manh chiếu để lột da, xẻ
thịt. Đống lửa được đốt lên để rọi sáng. Chú lóc được cả rổ
mỡ và nói :
- “Mỡ trăn quí lắm, dùng làm thuốc trị phỏng rất mau lành.
Nhưng nếu bôi lên da đầu thì rụng tóc trọc lóc và không mọc
lên được nữa. Bà con có ai dám thử không?”
Cả xóm vui rộn vì buổi nhậu ngày mai, Chú Sáu Đế luôn luôn
chủ trì các mâm nhậu, dân nhậu rất thảo lảo, ham mời mọi
người ăn, vì ruợu ngon thì phải có bạn hiền! Điều kỳ lạ là
con trăn nầy từ đâu đến? đây là xóm bến đò phiá bên vườn,
bến đò bên kia sông là chợ Bến Tre. Xóm nầy gồm có bốn năm
chục căn nhà lá san sát nhau, cách xa với vườn dừa. Vùng nầy
chưa bao giờ có loài trăn lớn như vậy. Cở con trăn nầy phải
là loại sống trong rừng sâu núi thẳm.
Người ta kể chuyện hoang đường, khi con trăn lớn quá, thì
dưới bụng của nó có mọc hai cái móc. Con trăn bò qua các rễ
cây chằng chịt trên mặt đất, bị móc dính cứng, không đi đâu
được nữa. Nó nằm ở đó, lá cây rụng xuống phủ kín như một cái
bẫy, thú vật lớn cỡ con nai đi ngang cũng bị nó nuốt chửng.
Nói như vậy chứ chưa ai thấy con trăn bị kẹt móc bao giờ.
Thật ra là hai chân sau cuả con trăn bị thoái hóa thành hai
mảnh nhỏ xíu đeo dưới bụng, làm cho người ta tưởng là hai
cái móc. Trong thiên nhiên thì có nhiều loại trăn, có loại
chỉ dài cỡ một thước, có loại lớn tới mười thước và cân nặng
đến gần một trăm năm chục kí lô. Trăn quấn con mồi, xiết cho
ngộp thở chết rồi nuốt chửng. Loài trăn lớn có thể nuốt cả
con heo hoặc con dê nhỏ. Vì trăn có thể há miệng rất to, hai
hàm giản ra để nuốt con mồi to hơn nó. Vì vậy cho nên sau
khi nuốt con mồi, mình của con trăn có thể lớn hơn gấp đôi.
Có con trăn kia chui vô chuồng khỉ cuả một nhà ở bìa rừng,
ăn vụng một con khỉ, lúc chui vô thì lọt, nuốt con khỉ xong
rồi, bụng bự bè ra, bị mắc kẹt luôn trong chuồng khỉ. Chủ
nhà mừng húm vì bắt được con thịt lớn hơn.
Bác Hai Giai anh cuả Chú Sáu Đế nói
nhiều người đi rừng bị trăn quấn và nuốt chẳng khác gì bị
hùm beo bắt. Lời rủa “ Chằng ăn, trăn quấn” là lời rủa độc
đối với dân sống miệt rừng! Bác Hai nói tiếp :
- “Khi bị trăn quấn, ta phải nhanh trí, đưa thẳng hai cánh
tay lên trời, cốt để cho nó không quấn trói hai tay của ta
được. Khi hai tay được tự do thì ta phải cố sức bắt lấy cái
đuôi của nó cắn thật mạnh, bị đau con trăn sẽ tháo lỏng và
buông ta ra. Nếu người đi rừng có cầm dao thì dễ hơn”.
Chú Sáu Đế ngừng tay góp chuyện :
- “Anh Hai nói nghe dễ ợt. Sao không cắn cái đầu của nó mà
laị cắn cái đuôi?”
Bác Hai Giai nói :
- “Thì nghe người ta nói vậy, chắc cái đuôi là chỗ nhược của
nó, chứ đâu có dễ. Khi đói mồi con trăn rất hung bạo, nó từ
trên cây phóng mình xuống như người ta quăng sợi dây luộc,
quấn vào con mồi mau lẹ chớp nhoáng. Sợi dây luộc cỡ đó còn
gỡ không ra, huống gì con trăn có các bắp thịt dài ngoằn và
rất mạnh, vì nó quấn và xiết con mồi chẳng khác nào nó luyện
gồng. Cứ mỗi khi hơi thở ra của con mồi là nó lại xiết thêm
được chút nữa, con mồi nghẹt thở chết tím xanh. Thú rừng có
móng vuốt và răng nanh bén nhọn, lúc giẫy chết chúng cào cấu
cỡ nào, mà rốt cuộc cũng phải chịu chết không thoát nổi con
trăn”.
Trăn có hai cái răng nanh mọc ngược về phía cổ họng, cho nên
hễ nó ngoạm con mồi rồi thì nó không thể nhả ra được. Nếu
hai con trăn cùng ngoạm một con mồi thì sau cùng con nọ sẽ
nuốt con kia. Chú Sáu Đế vừa xẻ thịt vừa nói :
- “Tui nói trúng phóc, con trăn nầy ở trong rừng sâu thật,
nó đã theo bè cây súc về tận Bến Tre. Mấy ngày nay trại cưa
ở gần đây rã bè, cho nên trăn, rắn mới lội vô bờ”.
Trại cưa mới lập, họ mua bè gỗ để
cưa ván. Người ta đốn cây cổ thụ ở trên rừng, cưa nhánh gọn
ghẽ, thân cây to lớn như thế gọi là cây súc. Phải nhiều
tháng trời mới đốn đủ cây để kết được một cái bè. Ngày nầy
qua ngày khác, trăn rắn lẫn trốn, sống trong bè và theo bè
về đây. Xóm bến đò bùn lầy, nước đọng, vì không có cống rãnh
mà nhà nào cũng xài nước, đổ tràn lan. Nước đọng bên hè và
sau nhà, trở nên sình thúi, lăn quăn sinh sôi nẩy nở lềnh
như nước hột é, chuột bọ cũng kéo về đây cư ngụ. Con trăn
nầy bò vô xóm và nuốt được nhiều chuột cống, ăn no rồi tìm
chỗ ngủ. Loài trăn, rắn tiêu hóa chậm, khi ăn no rồi, có thể
nhịn ăn trong nhiều
tuần lễ...
Đọc
Tiếp