Trang 9

Trước thềm năm mới,
Hội CHSTT kính chúc thầy cô,
mến chúc các bạn hữu và gia quyến,
một năm Đinh Hợi an khang thịnh vượng

 

Người Đẹp Hà Tiên

(Tiếp Theo)

 

Ai cũng cười nói huyên thuyên, Bác Hai Giai hay nói chuyện đời. Bác nói :

- “Trại cưa lập ở đây có lý quá, nếu mỗi lần rã bè mà mình được nhậu như vầy, thì xóm của mình lên hương! kỳ sau Bà Tư đừng có sợ nữa nghen! nhưng mà nhớ la làng để tụi tui tới làm việc nghĩa!”.

Bà Tư giẫy nẩy :

- “Nói vậy là trăn, rắn chỉ chấm cái nhà của tui sao? về nhà mấy người coi, biết chừng đâu con trăn cái của con trăn nầy đang nằm ở nhà đó”.

Bác Hai Giai làm nghề hớt tóc, cái nghề được đè đầu, đè cổ thiên hạ, tuy gọi là thợ mà còn nhàn hơn là thầy. Trước kia Bác sống trên Sàigòn, cơ sở của Bác thật giản dị, gồm một tấm kiếng treo trên thân cây me, một cái ghế xếp để khách ngồi và thùng đồ nghề bằng gỗ gọn hơ. Vậy mà gốc me nầy được rất nhiều người yêu thích, tới đó hớt tóc là biết tin tức cả thành phố. Các vị hớt tóc rất ưu thời, mẫn thế và có nhiều kiến thức, họ thu thập được qua các cuộc chuyện trò với khách hàng. Bác Hai Giai ưa luận cổ, suy kim, kể chuyện xưa để cắt nghĩa chuyện nay. Bác nói :

- “Nghĩ cũng ngộ, cây súc nặng như vậy mà họ đưa về đây gọn hơ con người tuy yếu đuối, nhưng có nhiều mưu trí. Trên bờ thì họ kê khúc gỗ tròn dưới thân cây súc để lăn, xuống tới sông thì có nước chuyên chở. Nói vậy chứ không phải dễ, nếu không biết lèo lái thì cây súc sẽ gây tai nạn. Sức nước đẩy nó trôi như chiếc xe không có thắng, nó báng vào ghe tàu hoặc cầu tàu là phá nát như xe lửa đụng. Người ta phải kết bè cho nó trôi đầm hơn, dễ lèo lái hơn”.

Hết chuyện trăn, rắn, Bác chuyển qua chuyện kết bè. Bác nói :

- “Cái bè cây súc nầy, ngày nay đưa trăn, rắn về đây làm cho cả xóm mình dựng tóc gáy, ngày xưa thời ông bà mình còn ở trên Sàigòn còn bị khủng khiếp hơn nhiều. Bến sông Sàigòn mà người ta còn gọi là Bến Nghé là vì cá sấu đã sống lúc nhúc, đặc gậc ở đó. Chiều chiều chúng bò lên bãi, lên bờ nằm phơi mình và đùa giỡn với nhau. Cao hứng, chúng nghé lên vang động cả một vùng, như là trâu nghé. Phải sống trong cảnh kinh hoàng, nếu có người thân hay người lân cận bị cá sấu bắt mới biết sự kinh sợ ra sao”.

Thời bấy giờ, người ta thường hay ra bờ sông tắm, giặt hoặc làm cá, rửa rau, bị cá sấu bắt rất nhiều, khiến cho bờ sông trở nên hoang vắng, lạnh tanh. Cá sấu thường nổi lờ đờ, lặng lẽ, rồi bất thần phóng tới con mồi như mũi tên bắn. Nó táp ngang mình hoặc đùi của nạn nhân, dìm xuống nước cho ngộp thở. Con thú nầy rất ác, nó không cắn cổ như những ác thú khác, vì nó không muốn giết con mồi chết mau lẹ, mà nó thích giỡn mồi, như mèo thích giỡn chuột vậy. Sau khi trấn nước nạn nhân ngất ngư, cá sấu gác nạn nhân lên nhánh cây dọc bờ nước, rồi lùi ra xa rình. Nạn nhân tỉnh dậy, cố sức leo lên nhánh cao để... 

 

... trốn thì cá sấu lại phóng tới đớp một lần nữa. Cứ giỡn mồi đến khi nào nạn nhân chết thì nó mới ăn thịt. Nó vật con mồi, vặn và xé tét thành từng mảnh để nuốt. Nạn cá sấu gieo tang tóc cho biết bao gia đình, những người chèo ghe chuyên chở hoặc buôn bán thường bị nạn, thời đó ra bờ sông là sự đánh liều. Tuy vậy cũng có những người giỏi võ nghệ, làm nghề câu cá sấu. Người ta đồn rằng có nhiều con cá sấu, khi mổ bụng ra, họ tìm được nhẫn hoặc vòng vàng của nạn nhân.

Có một người đàn bà trẻ ở vùng nầy, buổi trưa sau khi cô dỗ con ngủ trong chiếc võng, rồi cẩn thận gài cây ngáng võng để đứa con khỏi bị té. Xong cô bưng cái vịn sành xuống sông để giặt quần áo. Buổi trưa, trời râm mát rất dễ chịu, vì có những cụm mây trôi ngang. Gió mát hiu hiu,mặt nước sông chỉ gờn gợn sóng, cô ngồi trên chiếc cầu ván vò cái áo, giặt giũ, khuấy động nước lõm bõm. Bỗng cô nghe như trời giáng, một cái đập mạnh như búa bổ, đẩy cô văng xuống nước, chân mặt bị đau như xé, xuội lơ. Nước quẩy đùng đùng, cô bị dìm xuống nước, ngộp đến mất thở. Trời đất ơi! con cá sấu đã ngoạm ngang đùi cô, nó vừa đập, vừa vặn xé toạc một mảng thịt lớn, máu loang đỏ lòm. Cô là con nhà võ, đã quen chịu đòn, nhưng sa vào cảnh nầy, không thể nào xoay trở. Con gái học võ là chỉ để phòng thân, chứ đâu có đấu nổi với ác thú. Huống gì con cá sấu nầy đã rình cô và tấn công thình lình. Nó lớn gần bằng chiếc xuồng ba lá, răng, móng rất bén nhọn. Mình nó cứng ngắc như bọc bằng tấm sừng dầy mo, dẫu cho có dao cũng không đâm lũng được. Trong tay cô không có một khúc cây hay một con dao. Trường hợp cận chiến như thế nầy, yếu huyệt của nó là hai cái hang cua ở cổ. Chỗ đó da mỏng, đâm vào hang cua có thể thấu đến phổi. Trước cái chết không toàn thây, cô giận đến cực điểm. Chợt nhớ đến đứa con đang ngủ yên trên võng, một sức mạnh phi thường đã khiến cô cất tay lên búi tóc, may mà chưa bị sút ra. Cô rút được cây móc tai, búi tóc xổ tung, xấp xõa trên mặt nước rất là vướng víu. Một cái đập mạnh, tưởng vuột mất cây móc tai, cô ráng cong người, lấy hết sức bình sinh, chồm lên cái đầu con cá sấu, càng làm cho vết thương đau như xé. Con cá sấu quật lên, quật xuống tới tấp. Trật vuột, mò mẫm, đúng con mắt của nó đây rồi! cô gom hết tàn lực, ghim lút cây móc tai vô con mắt nó. Cô nghe nhẹ hửng, nó nhả cô ra, lăn lộn đùng đùng, lật mình mấy vòng rồi lặn mất tăm. Cảnh tượng xẩy ra chớp nhoáng, chiếc cầu ván văng ra, nổi lều bều. Cô trôi vật vờ, tóc rối rũ rượi, bê bết máu. May phước cho cô, nãy giờ có ông già chèo ghe đi tới, đã chứng kiến từ lúc cô vùng vẫy. Ông run lập cập đẩy cô lên bãi bùn, rồi ông chạy về xóm la làng cầu cứu.

Tục truyền rằng nạn cá sấu ở bến nghé là do bên Tàu đưa sang. Bọn ác thú cá sấu đó đã sinh sôi nẩy nở giết hại biết bao dân lành trên nguồn Cửu Long và đã gieo tai họa cho dân Tàu. Vua Tàu treo giải thưởng rất lớn mà không ai trừ được. Có một pháp sư cao tay ấn đã cứu dân Tàu. Ông cho đóng một chiếc bè gỗ. Trên bè để các lễ vật và đốt các ngọn...
 

 

 ... đèn. Ông giăng một cái mùng, trùm tất cả các vật đó, rồi ông cúng tế, đọc bùa chú và thả bè trôi theo Cửu Long. Tất cả cá sấu chen lấn nhau, lội theo chiếc bè. Chẳng biết pháp sư có ghi địa chỉ nơi đến hay không mà nhè bờ sông Sàigòn, bè tắp vô tất cả “ cá sấu kiều” chọn nơi đó làm quê hương, dùng thịt dân mình làm thực phẩm. Sau nầy tàu bè ngoại quốc tới lui trên sông, máy nổ làm kinh động hay dầu nhớt loang trên sông gây ô nhiễm, đã đuổi loài cá sấu di tản đi mất.

Rồi Bác Hai Giai nói đùa :

- “Rất tiếc là hồi đó Chú Sáu Đế chưa được sanh ra, chứ bè cá sấu đó mà đưa về Bến Tre thì xóm mình được no say hoài!”

Bác nói tiếp :

- “Ngẫm nghĩ cho cùng, chuyện kết bè cũng hay lắm. Đến nay tui mới biết tại sao người ta gọi là “bạn bè”. Muốn có “ Bạn” tức là, ít nhất phải có hai người kết với nhau, mà đã kết với nhau thì thành ra “ Bè”. Bè nổi trên mặt nước và cùng nhau trôi về một hướng. Luôn luôn người ta lựa cùng một thứ để kết thành một cái bè, dừa khô thì kết với dừa khô, cây chuối thì kết với cây chuối. To lớn như cây súc thì kết thành bè súc. Người quân tử kết với người quân tử, kẻ tiểu nhân kết với kẻ tiểu nhân”.

Ngưng một chút, chừng như để suy nghĩ hay để moi trí nhớ, Bác nói tiếp:

- “Hèn chi người ta có câu “ cho tôi biết anh giao du với ai, tôi sẽ biết anh thuộc hạng người nào”. Người Tàu có câu : “ Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa” và còn câu nữa “ Chim cùng màu lông thì quần tụ lại với nhau”.

Bạn bè là nghĩa tương tri, tự nhiên thấu hiểu nhau, nâng đỡ nhau để tiến về một hướng. Bạn bè mà tới lúc phải giải thích, phải minh oan đính chính là đã tới hồi tan rã. Phản bạn, thì rã bè. Bác Hai lại nói cà rỡn :

- “Ôi, buồn ngủ quá, bây giờ mình rã bè để ngày mai mình lại kết cái bè nhậu!”.

Tạ Kim Nhạn

Phoenix 2007

Bấm nút để điều khiển nhạc

 

 
     
     

    Trang Trước    1, Mục Lục, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24    Trang Kế 

  Trang Chính   Hội Ngộ 2007 Houston