Trang 15

Trước thềm năm mới,
Hội CHSTT kính chúc thầy cô,
mến chúc các bạn hữu và gia quyến,
một năm Đinh Hợi an khang thịnh vượng

 

(Tiếp Theo)

Ba giờ sáng. Thức giậy.

Mệt muốn chết. Tối ngủ cở một hai tiếng là cùng. Đám con gái tới tuổi “mống chuồn” cứ đeo dính bà thầy bói ngay cả nhỏ Ngọc Anh mới 14 cũng đợi tới phiên đặng xè tay cho bả đoán coi chừng nào có người tới rinh!!!.

Gần hai giờ sáng mới nhắm mắt hổng mệt sao được.

Sửa soạn xong xuôi bắt đầu ra đường đứng sắp hàng đôi để đi rước dâu. Đi đầu là mấy cậu thanh niên cầm phèng la chập chả cứ đi vài bước là đánh một cái...Tung...một cái Xèng... tới ông già, tới chú rể phù rể tới đám thanh niên bưng mâm bọc gấm đỏ rồi mới tới đám con gái. Thiệt là... nam trọng nữ khinh!. Tới bây giờ tui cũng hổng hiểu tại sao chú rể phải đội nón, tay cầm cây gậy, diện nguyên “côm plê” màu đen chiến lắm nhưng từ vai xuống bụng có băng tấm vải màu đỏ y như kiểu hoa hậu mang đó, có ý nghĩa gì?

Vừa đi bộ vừa đi đò cực muốn chết phần phải mang guốt cao gót bận áo dài lượt thượt qua tới xóm cô dâu trời chưa sáng. Cây cối xanh mướt còn đọng sương sớm. Gót guốt lấm bùn đất đỏ. Một bên là sườn núi một bên là vực sâu. Lạnh lắm. Tụi tui co ro. Nhảy mũi mấy cái tui lấy khăn trùm lên đầu cản gió.

Tới trước cửa phải đứng bên ngoài. Đàng gái cho người ra nói:

“Chưa tới giờ chưa được vô”

Đứng đợi cả buổi. Đàng trai bực bội cằn nhằn. Tui có dịp ngắm nghía nhà cô dâu. Nhà lợp lá vách ván lưng dựa sườn đồi. Dưới hàng hiên có cái lu đựng nước uống máng cái gáo dừa, một cái chõng tre, vậy thôi. Nhà đàng gái không có trang trí gì hết trơn.

Chừng được em gái nhỏ bưng khay trà ra mời ông phù rể móc túi lì xì cho nó rồi mới được vô nhà. Trong nhà chỉ độc có cái bàn thờ với cái bộ ngựa. Đặt mâm lên xong tụi tui đứng sắp hàng hai bên xớ rớ một hơi. Người trưởng tộc đàng gái mở mâm đèn lấy ra cầm tay chú rể lên cặp đèn cầy long phụng xong bà mai mới nắm tay cô dâu từ trong bước ra e lệ cùng chú rể lạy bàn thờ, lạy cha mẹ. Ý là có dợt cả buổi tối mà chú rể còn vấp lính xính!!!

Xong rồi là đi liền, hổng tới hai chục phút. Bà mẹ cô dâu đứng lấp ló sau cánh cửa.

Đi theo cô dâu chỉ có bà mai và vài người bạn gái. Cha mẹ cô dâu chỉ đưa con tới bên trong cái cửa thôi.

Mấy đứa bạn gái đưa dâu len lén chỉ trỏ đám con gái “thầy ngòn” tụi tui rồi lầm thầm. Tui nghe loáng thoáng... “sáng... đội... bà đẽ.” Bên đàng trai có người lên tiếng binh liền “ Ai nói đó? Ai nói sáng sớm đội khăn như đàn bà đẽ đó?” Hổng nghe ai trả lời! A...ạ... Tụi nó dèm pha cái đầu đội khăn của tui. Dể ghét!!! Lề thói gì lạ! tụi nó diện áo dài màu technique color đỏ huờng, xanh lá mạ, vàng – tôi nghĩ, màu vàng là màu phản bội đi đám cưới người ta kỵ bận màu trắng, đen, vàng... xí, hổng lo thân mình, lo đi nói xấu người khác!

Tui lén nhìn mặt cô dâu. Y mắc cở rút sau lưng bà mai. Đàng trai sắp hàng đôi trở về cho kịp giờ làm lể hôn phối.

Lên ghe qua sông. Cô dâu mặc áo đầm trắng dài quá đầu gối thắt dây nịt trắng mang vớ trắng. Nữ trang là đôi bông xoàn cặp nhẫn xoàn mấy ly chói sáng, là vàng y cả lượng hai ba sợi đeo trên cổ , là cặp xuyến, lắc vàng đeo trên tay nhìn thấy nặng thêm mấy kí lô!!!

Bà mai cầm theo hộp phấn cứ lâu lâu mở ra chậm chậm trét trét lên mặt cô dâu. Càng lúc càng trắng... xác!

Lên ghe rồi là mấy cô bạn đàng gái chua lè hồi nãy bây giờ ngọt lịm như mía ghim! Sang sông rồi qua giang sang nhà chồng rồi ai nấy xếp ve!!!. Mắt cô dâu đã thấy rưng rưng tội nghiệp.

“ Em lên ghe cưới về quê chồng.

Chàng cách đò ngang cách mấy sông (* 6)”

Từ bến tới nhà trời đã sáng con nít thức dậy rồi tụi nó rượt theo đám cưới vừa cười vừa chọc. ! “ Á... cô dâu chú rể đội rế lên đầu...”

 
 

 

Rước được dâu về hứng khởi mấy cậu trai đánh phèng la tăng tốc độ như múa Lân ăn Tết ... Tùng... Xèng... Tùng....Tùng ... Xèng... xèng xèng...

Gần tới cửa tràng pháo dây đốt lên tẹt tẹt tẹt tưng bừng rầm cả chợ.

Ông cậu tui còn me, ï tụi tui kêu là bà cố. Bà trên tám chục rồi. Người rút nhỏ như đứa con nít 9, 10 tuổi. Hai hàm răng rụng sạch bách. Lưng còn thẳng băng, bà nói năng lanh chanh lít chít như đám con gái tụi tui. Ông nói:

“ Bà cố bây bị cô nhập. Hai năm trước cô Diệt Nàm (Việt Nam) bên chợ mới mười bẩy tuổi bị mắc gió chết oan hồn cổ nhập vô bà cố bây đó bả nói toàn tiếng Diệt không hà”

Tôi thấy lạ cố lắng nghe bà nói chuyện. Bà cười hí hí:

“ Tụi bây coi cô dâu quê quá cỡ thợ mộc. Tụi bây làm ơn trang điểm cho nó đi để bà mai đánh phấn trắng xác thấy ghê” Xây qua bà mai, bà cố nạt:

“ Bỏ đi Tám. Bỏ đi Tám. Bỏ hộp phấn lô can đó đi. Trét lên hoài làm cô dâu xấu hoắc!!! Ngày mai để mấy cô Sài Gòn trang điểm cho nó le”

Trời. Rõ ràng bà cố nói tiếng Việt chánh cống. Bà nói tiếng lóng, chọc ghẹo, cười thơ ngây như đám con nít hồi sáng. Bà tinh mắt quá. Bà nói năng hợp thời hợp cảnh biết thời trang văn minh quá xá. Tui hứa sáng sớm sẽ trang điểm giúp cô dâu.

Tới trước bàn thờ cô dâu vừa bái Đông bái Tây bái Nam bái Bắc bái bàn thờ, lạy cha mẹ chồng xá bà con họ hàng bên chồng vừa khóc tủi thân ván đã đóng ghe!!!.Cô dâu chú rể thì thụp lạy lạy xá xá thấy mà ... đau lưng!

Xong phần lễ bàn thờ, ông trưởng tộc coi giờ rồi dẫn cô dâu chú rể lên lầu cho động phòng đặng lấy giờ tốt mà thôi chớ chưa được làm gì đâu nha. Cô dâu thay bộ áo dài sường sám trở xuống liền để sửa soạn tiếp khách.

Đãi ngày đầu toàn lính tráng ông làng bà xã 95% là đàn ông tụi nầy quíu muốn chết , phận sự bưng mâm ra khui nước ngọt khui rượu vân vân... mà có dám dòm ai đâu.

Buổi tối khách về hết rồi Cô dâu rửa mặt sạch, đẹp quá. Cô có nét đẹp má tui kêu là dân đầu gà đít vịt. ( Người Tàu lai người Miên) . Nước da ngâm ngâm đen mắt to hai mí miệng nhỏ hàm răng trắng tinh vóc người tròn trịa mẫu người mắn đẻ mấy bà mẹ chồng xưa thích lựa cho con trai mình. Nghe nói cô là người con gái đẹp nhứt xóm. Ai cũng nói cô có phước quá được chồng giàu đi cưới.

Bà thím tui ngồi trên bộ ván ngựa, cô dâu bưng khay trà ra mời rồi tự tay lột sạch nữ trang gởi lại mẹ chồng. Lột từ đôi bông xoàn xuống đôi cổ tay. Bà thím cho lại cặp nhẫn đeo trở vô tay cô dâu rồi nói một hơi bằng tiếng Triều Châu. Cô dâu khóc sướt mướt. “Khóc như dâu mới về nhà chồng”!!! Tui hổng hiểu bà thím nói gì, tiếc quá.!

Tới đêm, động phòng hoa chúc. Thấy bà cố đưa cái khăn trắng cho chú rể! Không biết cô dâu chú rể có làm được gì không, chỉ nghe tiếng nói chuyện thì thào!!! Đám bà con xa về dự đám cưới nằm sấp lớp bên ngoài, Bà cố tui cứ cười cười chọc :

“ Thành thân! hí... hí... hí... cô dâu chú rể động phòng hoa chúc hai hồi nhập một thành thân... Hí... hí... hí...”

Quả thiệt. Đúng là bà cố ... tốc kê (* 7)

Mệt quá tui ngủ hồi nào hổng hay!

Sáng sớm hôm sau, cô dâu mặc bộ bà ba đen bưng một thau quần áo bên chồng ra sau hè giặt. Bây giờ nhớ lại cái thau bự bằng cái bồn tắm của Mỹ, thấy tróc da tay! Cô dâu trở thành thím, biểu tụi tui:

“ Lứ (* 8) có quần áo dơ đem ra “quá” (* 9) giặt luôn cho”

 

Chị em tui thấy thương thím quá nói -thôi được được để tụi con giặt phụ thím- (tui 18 thím 19!)

Sau ba ngày đãi khách tụi tui được cô Ngó dẫn ra chợ ăn món nem nướng Hà Tiên chấm nước mắm me ngon hết xảy. Dẫn đi coi chỗ nuôi con đồi mồi để làm nữ trang và vật dụng. Tui mua liền cặp kiếng mát gắn luôn cái bông cúc vàng Hippy. Ngọc Anh đỏng đảnh mua bảy chiếc vòng Si-men đeo liền vô cổ tay!

Sau đám cưới ở chơi vài ngày rồi tụi tui sửa soạn về. Ra đưa tới bến đò bà cô Duy Phong còn xách theo hai giỏ bự tổ chãng đựng đầy đồ ăn khô, một keo đuôi con ốc (chĩ lắt lấy đuôi thôi, cái mình bỏ đi) cá cơm ngâm đường thốt nốt nước mắm nhĩ, một bịt tiêu hột chín đỏ, một cà ròn xoài mật..... dặn đem về cho ba má với mấy đứa em ăn.

Đi đò máy ngược lên Rạch Giá rồi đón xe suốt về Sài Gòn.

Dù mới có 18 tui đã nhìn thấy rõ ràng phận con gái. Tụi nầy đi đám cưới có được ngồi vô bàn ăn cưới đâu? Đi là để giử chức waitress bưng tô bưng dĩa dội thêm thức ăn và kiêm luôn chức bus girl dọn dẹp bàn ghế , trong ba ngày. Ba ngày diện áo dài đẹp dợt lên dợt xuống hầu bàn để cho đám thanh niên chưa vợ ngắm nghía, để cho mấy bà già trầu chuyên nghề làm mai và mấy bà đang kén vợ cho con trai so sánh lựa chọn!!!

Nghe nói đàng trai bỏ ra biết bao nhiêu tiền làm đám cưới lớn thì dĩ nhiên cô dâu phải xứng đáng với đồng tiền đàng trai bỏ ra!!! Cô dâu là con gái nhà nghèo được chồng giàu đi cưới linh đình làm nở mặt nở mày cha mẹ, cái khăn trắng bà cố tui giao cho chú rể đó nếu không có đốm máu đào dưng lên bà mẹ chồng xét thì bà mai và bên đàng gái sẽ phải lảnh cái đầu heo bị cắt mất lổ tai, một hủ tục để làm nhục cả dòng ho, cho làng xóm biết cô dâu mất trinh. Tui đã thấy sau sự lộng lẩy vàng bạc đầy mình đó chĩ để ngắm mà thôi, nữ trang phải lột hết cho mẹ chồng giữ, sáng hôm sau đã làm dâu, bắt đầu bằng cái thau quần áo dơ của đại gia đình chồng. Tui cũng hiểu tại sao ba má tui gởi cho đi dự đám cưới. Để dằn mặt tụi tui, để gián tiếp nhắc nhở câu :

“ Chữ trinh đáng giá ngàn vàng”

Đừng làm xấu hổ cha mẹ.

Ở Mỹ chữ trinh có còn được tôn trọng hay không điều đó chỉ có mấy cô mấy cậu hiểu nhau thôi. Nhiều gia đình, con cái tự cưới nhau có khi khỏi thèm mời cha mẹ nữa. Hay là?... theo phong tục Mỹ con gái phải ra tiền làm đám cưới cho nên... hơi khác phong tục của mình???

Đám cưới Hà Tiên nhớ nhiêu đó thôi. Nhớ suốt đời. Dư sức tiếp tay Năm Loan Sira  lo chuyện gả con gái !!!

* 1 : chuyện Đò Dọc của nhà văn Bình Nguyên Lộc .

*2 : ăn cơm (tiếng Tàu Triều Châu)

*3 : dì.

*4: con ghẹ

*5: Sài Gòn.

*6: “ Hoa trắng thôi cài trên áo tím” thơ của thi sĩ Kiên Giang.

*7: điên ,tiếng Pháp.

*8: em.

*9: tôi.

                                     Trương Ngọc Bảo Xuân

Bấm nút để điều khiển nhạc

 

 

 
     
     

    Trang Trước    1, Mục Lục, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24    Trang Kế 

  Trang Chính   Hội Ngộ 2007 Houston