Hội Cựu Học Sinh Trung Thu

 
XUÂN Ý
KHAI BÚT
TRANG BÌA
ÁO TRẮNG
CHÚC XUÂN
ĐẦU NĂM ĐÓN LỘC
BÓI QUẺ ĐẦU XUÂN
ĐỐT PHÁO GIAO THỪA
CÁC MÓN ĂN NGÀY TẾT
NGUỒN GỐC CÂU ĐỐI TẾT
NHẠC: MỪNG XUÂN ĐẾN - ĐQT
NHỮNG PHONG TỤC ĐẸP NGÀY TẾT
MÓN ĂN CỔ TRUYỀN Ở CÁC XỨ Á CHÂU
TRANG ĐIỂM DƯỚI NẮNG XUÂN
MÙA XUẦN KHÔNG ĐẾN NỮA
NHỮNG LÁ THƯ KHÔNG TÊN
NĂM DẦN NÓI CHUYỆN CỌP
PHONG TỤC NGÀY TẾT
CON BƯỚM THIÊN THU
CHỢ HOA NGÀY XUÂN
CHUYỆN TÌNH CƯ XÁ
MÓN QUÀ ĐẦU NĂM
SỰ TÍCH ÔNG TÁO
SỰ TÍCH HOA MAI
BẦU CUA CÁ CỌP
TẾT MIỀN TRUNG
TRUYỆN NGẮN
CHUYỆN CƯỜI
HÁT SẮC BÙA
THIỆP XUÂN
THỦY TIÊN
LỊCH 2010
BÁNH TÉT
THƠ
HCHS - TT

                     

  Trời cuối mùa hè thật nóng. Hai chị em Ngọc chiều nào ăn cơm, dọn dẹp xong cũng rủ nhau bắt ghế ngồi trong sân nhà để hóng gió. Đợi hoài chẵng có cơn gió nào đưa tới ngoài mùi hương thoang thỏang đợi chờ của bụi dạ lý góc sân. Bổng nhiên cánh cửa cổng mở nhẹ, như có cơn gió lạ thổi vào sân. Hai chị em ngạc nhiên quá, vì không phải cơn gió lạ nào vừa thổi vô sân nhà mà là một bóng dáng người con trai lạ quơ, tự nhiên thò đầu vào sân nhà mình.
Anh chàng thật là lớn con, mái tóc bồng bềnh rất dầy hơi dợn sóng trên khuôn mặt dễ nhìn, khá đẹp trai, đôi mắt hơi hơi sưng, hơi nhỏ mà sáng lộ nét lém lỉnh.  Anh chàng cứ tự nhiên bước vô sân nhà Ngọc, như người đã quen, trong khi hai chị em ngó nhau ngạc nhiên quá trời!
Nhỏ Loan bẽn lẽn rút lui vô nhà để Ngọc lúng túng…mời:
- Anh … kiếm ai ??? Mời …ngồi chơi.
Trong bụng nghĩ thầm “ai dzậy nè???”
Anh chàng vô đề ngay:
- Ngọc học trường Gia Long phải không? Nghe nói Ngọc cũng học đệ nhất, cho Lâm xin chương trình học năm nay nhé.
Trời ! biết tên mình, biết mình học lớp mấy nữa, giọng Bắc thiệt là ngọt ngào và khách sáo. Ngọc lúng túng đỏ mặt, cảm giác như máu từ khắp thân thể đổ dồn hết lên mặt, nóng bừng. Ngọc lí nhí:
- Dạ (sao lại dạ …ta ơi???) Ngọc đang học đệ nhất, để…để mai Ngọc viết cho chương trình rồi đưa …nhe.
Lâm cười tươi khóe miệng rộng, hàm răng sáng bóng. Ngọc càng thêm lúng túng, im rơ vì không biết nói gì với anh chàng lạ mặt không biết từ đâu nhào vô sân nhà mình. Lâm gật đầu chào, nói thêm:
- Lâm ở nhà số 9 đấy, mai Lâm lại sang…nhé.   
Cánh cửa sân khép lại cũng nhẹ nhàng như lúc mở ra. Nhà số 9 ??? nhà bác nào vậy ta, tự nhiên ngu ra quên mất tiêu. Nhỏ Loan núp đâu đó trong nhà đợi tới lúc đó mới đi ra. Ngọc hỏi ngay:
- Ai dzậy?
Nhỏ nầy tối ngày chạy chơi hàng xóm, chuyện gì nó cũng biết.
- Anh Lâm con bác Huỳnh đó.
- Dzậy à, sao nào giờ mình hỏng biết? Tự nhiên đâu vô nhà mình?
Nhỏ Loan cười mím chi, không trả lời, như vậy là nó cũng hết hồn y như mình nên mới chạy tọt vô nhà. Hai chị em lại bâng quơ chuyện trò, nhưng Ngọc dường như lơ đãng, không nghe em nói gì, lòng bổng bâng khuâng theo bóng dáng chàng trai vừa mới đột ngột bước vô sân nhà mình.
Cư xá Phú Lâm A nơi gia đình Ngọc đang ở, thuộc cư xá của những gia đình Cảnh Sát Quốc Gia. Khởi đầu những gia đình nầy sống trong cư xá Cộng Hòa (thành Oma cũ) nằm trên con đường Thành Thái, đối diện là trường Nam Trung học Pétrus Ký rất nổi tiếng ở Sài Gòn. Cư xá Cộng Hòa giải tỏa, nên những gia đình Cảnh sát dờì về hai khu cư xá mới là cư xá Phú Lâm và cư xá Vĩnh hội.
Gia đình Ngọc đông con nên ba chọn cư xá Phú Lâm ở ngoại ô thành phố, nhà rộng rãi hơn.  Khu gia đình Cảnh sát có hai dãy nhà, bên nhà Ngọc là dãy Q, đối diện là dãy P. Phân chia hai bên là khoảng sân rộng, có khu thờ phượng với pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh bằng thạch cao trắng rất đẹp, và một sân trống mà lũ con nít hàng xóm ưa tụ tập chơi đá banh. Đầu đường là hai biệt thự song lập, một trong hai căn biệt thự là gia đình anh phi công Phạm Phú Quốc. Chị Quốc lúc đó mảnh khảnh như cô nữ sinh rất duyên dáng tuy đã mang tang chồng (phi công Phạm Phú Quốc đã hy sinh vì nước).
Ở cư xá, đa số những gia đình có quen biết nhau từ lúc sống trong cư xá Cộng hòa nên rất thân thiết. Trẻ con thuộc gia đình nào thường được gọi theo tên của người chũ trong gia đình như: con bácThức, con bác Kiền, con bác Kỉnh, con bác Chương, con bác Xuân, con bác Cúc, con bác Huỳnh, con bác Rạng, con bác Hải, con bác Đào ... Ngọc biết tên từng đứa bạn hàng xóm trong cư xá, ngoại trừ …anh chàng Lâm nầy.

Buổi tối hôm đó, Ngọc đã cặm cụi ngồi viết đầy hai trang giấy học trò chương trình học của lớp đệ nhất cho anh chàng hàng xóm tên Lâm. Ngày hôm sau đi học, Ngọc kể lại cho mấy nhỏ bạn thân trong lớp nghe về anh chàng hàng xóm lạ mới biết.
- Tao viết muốn chết hai trang giấy chương trình học Đệ nhất cho hắn.
Lũ bạn cười hi hi ha ha, còn chọc quê Ngọc :
- Sao mày ngu dữ dzậy! Hắn muốn làm quen với mày chớ đâu có muốn cái chương trình gì, hắn cũng học lớp đệ nhất y như mình thì phải có chương trình học chớ, mày viết chi cho mệt.       
- Dzậy hả, thiệt tình! Dzậy tao có cần đưa hắn chương trình nầy hôn?
Lũ bạn lao nhao góp ý:
- Thì đưa chớ, để thêm cái đuôi cho dzui, nhưng đáng lý đừng thèm viết.
- Ừa há, tao ngu ghê!
Trong bụng tức thầm!

Chiều hôm sau, như mọi hôm, cơm nước dọn dẹp xong, hai chị em lại bắt ghế ra sân ngồi chơi hóng gió mát. Trong lòng Ngọc tự nhiên bồn chồn, trông ngóng. Y như đã hẹn, được một lát cánh cửa cỗng nhẹ nhàng mở ra, anh chàng Lâm đã qua tới rồi. Nhỏ Loan lẵng lặng vô nhà, nhường lại chiếc ghế. Nhỏ nầy vậy mà biết điều ghê nha. Anh chàng bước vào sân với nụ cườì tươi mở rộng tới mang tai, đôi mắt đen, nhỏ, lém lĩnh. Tự nhiên ngồi xuống chiếc ghế trống. Anh chàng đón hai tờ giấy chương trình học Ngọc đã cặm cụi viết tối qua, tỏ vẽ chăm chú đọc. Ngọc tức thầm : hừm, làm bộ! Tuy tức, ngoài mặt con gái vẫn tươi như bông hoa hàm tiếu.
Từ hôm đó, chiều nào cơm nước xong, anh chàng cũng ra đứng trước cửa nhà, cách nhà Ngọc có hai căn, để thổỉ thuốc lá như khói xe lửa. Hút hết điếu thuốc rồì chàng lửng thửng tà tà đi bộ qua nhà Ngọc. Giữa mùi hương dạ lý thơm nồng hằng đêm hai đứa đã thủ thỉ biết bao nhiêu điều thơ dại, làm bạn với nhau ngày càng thân thiết. Từ đó Ngọc mới biết Lâm được gia đình gởi vô Chủng Viện tu từ lúc còn rất nhỏ cho nên Ngọc không biết gia đình bác Huỳnh còn có hai người con trai ngoài các chị, em trong nhà là anh Sơn và Lâm. Anh Sơn đi lính xa nhà, rất ít khi về phép.  Mùa hè năm đó, Lâm về chơi, nhìn thấy Ngọc, muốn làm quen.
- Ngọc biết không, Ngọc là người con gái đầu tiên Lâm nhìn thấy đấy, ngoài đời vui quá.
Sau mùa hè đó, Lâm không trở lại Chủng Viện. Nhà Lâm có căn gát nhỏ, có cửa sổ cũng nho nhỏ ngó qua căn gát nhà Ngọc. Hai đứa ưa ngồi học bài thi cùng giờ. Từ căn gát bên nhà, Ngọc sẽ để máy phát thanh bài “Somewhere my Love”, vặn âm thanh hơi lớn, cho Lâm cùng nghe. Lâm nói, nghe bài nầy học bài dễ thuộc.  Hai đứa cùng thích bài nầy mới vui.
Bài hát ấy đã theo hai đứa qua hết kỳ thi tú tài đôi, tắm đẫm từng ánh trăng non trăng già cùng nhau học bài, nhìn nhau qua lớp mái nhà hàng xóm, trên cao có bầu trời khi thì mây trắng từng cụm bềnh bồng phiêu du, có khi mưa nặng hột rào rào trên mái nhà. Và rất nhiều đêm hai đứa học thi qua tiếng đại bác ầm ì xa xa và hỏa châu trên bầu trờì đen thiệt đen lấp lánh sao như những hạt kim cương. Dù mưa dù nắng tiếng hát của Frank Sinatra trầm ấm vỗ về vẫn vang lên cho hai đứa cùng thả mơ trên những bài học thi nặng nề, giữa không khí chiến tranh.

Somewhere, my love,
There will be songs to sing
Although the snow
Covers the hope of spring.
Somewhere a hill
Blossoms in green and gold
And there are dreams
All that your heart can hold.

Someday we'll meet again, my love.
Someday whenever the spring breaks through.
You'll come to me
Out of the long ago,
Warm as the wind,
Soft as the kiss of snow.
Till then, my sweet,
Think of me now and then.
God, speed my love
'Til you are mine again…

Năm đệ nhất là năm học khốn khổ nặng nề vô cùng, ai đã từng trãi qua chắc khó quên. Lâm vẫn thường ngồì học bài trên căn gát nhỏ. Có vài lần Ngọc đã bước những bước chân rón rén lên thế giới nhỏ của Lâm, khi Lâm nhờ hướng dẫn cho cô em gái tên Nhung học tiếng Pháp, vì Ngọc có học qua chương trình sinh ngữ phụ. Những lần đó, trái tim Ngọc đập thùng thùng như tiếng trống, chắc hẵn ai cũng nghe! Không hiểu tại sao Lâm vẫn thường qua nhà Ngọc chơi, hai đứa nói cười rất vui vẽ tự nhiên, mà khi bước chân vào thế giới của Lâm, Ngọc lại có cảm giác kỳ lạ tới vậy?
Lâm học rất giỏi. Sau khi đậu tú tài đôi, Lâm thi vô trường điện ở Phú Thọ và học ở đó hai năm liên tiếp. Trong thời gian nầy, Ngọc học lung tung từ truờng Điều dưỡng qua Văn khoa. Thời đó, con trai phải học thật gỉỏi để không phải vô lính, nhưng trường hợp Lâm đã có người anh đi lính rồi, Lâm là con trai duy nhất còn lại nên được miễn dịch. Tuy vậy Lâm vẫn học rất gỉỏi và không thấy Lâm đua đòi ăn chơi gì hết.
Thời gian trước khi Lâm làm quen, năm học đệ nhất, Ngọc cũng đã có một người bạn trai mới quen là Điện. Điện có lối làm quen rất bạo. Hôm ấy, trên đường học thi về, đang bon bon chạy chiếc Vespa trên đường thì bổng một chiếc Honda quẹo trái từ một khu cư xá phóng vù ngang qua.  Nếu Ngọc không thắng kịp thì hai chiếc đã đụng nhau rồi!  Người đâu chạy ẩu quá trời! Vừa nghĩ thầm Ngọc vừa cẩn thận giữ tay lái sau cái lạng xe nhanh trí.  Trên con đường về nhà, chạy được một khoảng, nhìn vô kiếng chiếu hậu Ngọc thấy bóng dáng chiếc xe Honda của anh chàng lái xe ẩu chập chờn ẩn hiện ngay sau xe mình, lạ quơ?
Hai chiếc xe cứ như theo đuôi nhau trên con đường Hậu giang, qua đường Lục tỉnh, lên cầu, xuống dốc. Thấy xe sau cứ bám sát Ngọc hơi hoảng, nên khi gần tới nhà Ngọc ngừng xe laị, ghé vô xạp bán sinh tố bên lề, định bụng cho anh chàng đi hút luôn. Đậu xe, kêu ly sinh tố mãn cầu, Ngọc ngồi xuống chiếc ghế đẩu thì thấy chàng ta cũng vừa tới, dựng xe, kêu ly sinh tố mãn cầu y như mình, rôì thản nhiên kéo ghế ngồi ngay trước mặt Ngọc, hỏỉ trống không…
- Cho…ngồi đây nhé.
“Dzô dziên”, trong bụng lại tức thầm, Ngọc không thèm trả lời, thản nhiên uống hết ly sinh tố, xong sữa soạn đi, cũng nói trống không.
- Đừng theo …nữa …nghe …
Lên xe chạy, liếc nhìn kiếng chiếu hậu thấy chàng ta vẫn còn ngồi yên đó, Ngọc thở phào yên tâm. Không ngờ, ngày thứ bảy tuần lễ sau đó, đột nhiên có tiếng gỏ cửa, má ra mở, nói gì đó, rồi nói vọng vô:
- Ngọc ơi, có bạn tớí thăm.
Tưởng nhỏ M. Hạnh, Ngọc mừng quá chạy ù ra đón bạn, nào ngờ thù lù ngay cửa là anh chàng xém đụng xe bữa nọ. Vậy là thế nào cũng bị má la cho mà nghe đã lỗ tai. Đành mời … bạn vô nhà sau cái liếc mắt tóe lửa. Thiệt là lì! Từ đó, Điện cứ ghé chơi, riết cũng quen thôi.  Điều Ngọc không hề ngờ tới là năm sau cả hai anh chàng lạ đời Lâm cùng Điện rủ nhau cùng học chung trường điện Phú Thọ.  Thế là có chuyện để…nhớ!
Thắm thoát hai năm trôi qua tình bạn rất êm đềm, chỉ thỉnh thoảng có cơn giông nhỏ bay ngang qua như hôm Lâm qua chơi, thấy Điện ngồi trong phòng khách nhà Ngọc thì Lâm thối lui ngay, để hôm sau cằn nhằn cử nhử :
- Sao nhà Ngọc lúc nào cũng có con trai tới chơi vậy?
Còn Điện thì:
- Ô, Ngọc biết gì không, hôm qua Điện thấy cái anh hôm nọ sang đây mà không thèm chào, hắn học chung lớp với Điện đấy, hôm nay mới biết. Bạn Điện nói, mày chơi không lại nó đâu, nó học giỏi, lại…đẹp trai hơn mày. Ngọc đứng giữa, lúng túng phân vân.
Có lần Lâm qua chơi, thấy cuốn tập thơ của Vũ Hoàng Chương, tựa đề “Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm” nằm trên bàn học của Ngọc. Lâm cầm lên, lật lật, thấy lời ghi tặng của Điện cho Ngọc thì chù ụ ngay:
- Thơ…già!
Ngọc muốn phì cười nhưng rán nín thinh, tự trách mình sao không cất tập thơ vô hộc tủ. Nhưng hàng xóm, muốn qua chơi giờ nào thì cứ qua, làm sao mình tránh cho kịp đây. Hôm sau thì Lâm mang qua tặng Ngọc cuốn tập thơ Nguyên Sa. Cười cười nói, thơ Nguyên Sa mới hay. Điện có hoa tay, có lần đang ngồi nói chuyện bổng nhiên Điện nói:
- Ngọc cho Điện tờ giấy vớí cây bút chì, mau lên.
Ngọc vội đưa cho Điện, thấy hí hoáy tô tô vẽ vẽ rồi đưa lại tờ giấy cho Ngọc, thấy chân dung mình trên ấy, vớí hai bính tóc thả xuống vai, và đôi mắt rất ngây thơ. Điện ca hay, giọng trầm ấm truyền cảm nhất là hai bài Ngày Xưa Hoàng Thị và Đưa Em Về Dưới Mưa.
Năm đó, dù cả hai đều đã vô Đại học rồi nhưng Lâm và Ngọc vẫn chưa từng nắm bàn tay nhau, và chưa bao giờ đi chơi chung nhau. Một hôm Lâm đưa cho Ngọc tấm thiệp mời tham dự một buổi trình diễn ca vũ nhạc dân ca thế giới ở một thính đường dành cho bạn trẻ. Ngọc nhận lời, nhưng hai đứa phải hẹn nhau ở một nơi nào đó chớ không thể cùng đi chung với nhau từ nhà được. Lạ ghê, tại sao không xin phép má để được đi chơi với nhau ??? Sao mình sợ má mình, Lâm sợ mẹ Lâm quá trời, hai đứa cũng sợ luôn cả hàng xóm láng giiềng cư xá nữa. Điểm hẹn hôm đó là cửa thư viện.
Ngọc tới đúng giờ, đậu xe, chờ hơn 15 phút mà vẫn chưa thấy Lâm tới. Giận muốn bỏ về thì vừa lúc bóng dáng chiếc xe Honda của Lâm trờ tới. Lâm đậu xe, đi bộ tới gần Ngọc thì đưa hai bàn tay đầy dầu mở đen thui ra trước mặt Ngọc, cử chỉ đùa giởn như muốn trét dầu máy vào mặt Ngọc. Ngọc giận hờn không thèm cười thì Lâm phân trần :
- Xe Lâm hư, sửa muốn chết nó mới chịu nổ đấy, Lâm cứ lo không tới được, bây giờ chắc là tắt máy luôn rồi, thôi kệ, mình gởỉ xe rồi lái xe của Ngọc nhé. Ngọc:
- Ừ!

Hai đứa tới nơi thì thiên hạ đã bắt đầu buổỉ ca vũ nhạc từ lâu rồi. Giữa buổi nhạc, lúc mọi người ra sân nhảy những vũ điệu dân ca Lâm rủ Ngọc lên lầu chơi cho mát. Trên sân thượng, hai đứa đã thủ thỉ với nhau những câu chuyệt thiệt vui. Vui nhất là những chuyện ma như ma cụt đầu đón xe trên quốc lộ 1, ma trong Chủng viện, ma …lè. Sau đó Lâm kể về mối hận tình của người anh với cô bạn gái người Nam mà rào cản là địa phương và tôn giáo.  Ngọc nghe mà không khỏi nghĩ ngợi tới “chuyện chúng mình”.
Tàn buổi nhạc, hai đứa rủ nhau đến khu Nguyễn Tri Phương ăn cháo cá xong trở lại lấy chiếc xe Lâm gởỉ để về. Chiếc xe làm tàng không chịu nổ máy dù Lâm đã làm hết cách, đành chịu thua mà thời gian lại gần giờ giới nghiêm rồi nên Ngọc nói thôi để Ngọc lái chiếc Vespa rồi kéo xe Lâm theo. Lâm nói:
- Nặng lắm đấy, Ngọc kéo không nỗi đâu.
Ngọc chắc chắn là không sao đâu, làm được. Vậy là Ngọc nổ máy, và Lâm nương theo đà, nắm chắc vai ốm nhom của Ngọc mà chạy Honda không máy theo.
Bầu trờì đêm ấy có trăng rất sáng, và ánh trăng lấp ló xuyên qua những bóng cây cao thật đẹp. Vai Ngọc mỏỉ nhừ vì sức kéo chiếc xe Honda rất nặng từ bàn tay to lớn của Lâm đè trên vai. Cứ từ từ như vậy rồi hai đứa cũng tới được đầu đường vô cư xá. Xuống xe, Lâm hôn lên trán Ngọc, thì thầm :
- Cho tới chết Lâm cũng sẽ không quên đêm trăng nầy. Ngọc về nhà trước đi, Lâm sẽ theo sau.
Đêm ấy, nằm vô giường ngủ, Ngọc mơ ánh trăng thề. Thời gian thắm thoát đã hai năm. Gần tới ngày ra trường của Lâm và Điện, không thấy Lâm nhắc nhở gì tới trong khi Điện mời Ngọc tham dự ngày ra trường của Điện. Ngọc rất phân vân, rồi giận, nghĩ tới, thắc mắc tại sao Điện mời mình mà Lâm thì im lìm, hay anh chàng mời…cô nào rồi!
Giận và tức, đáng lẽ Ngọc nên hỏi Lâm thì Ngọc tự ái, im lìm nhận lời mời của Điện.   

Hôm đó Ngọc diện chiếc áo dài màu đỏ có thêu trên tà, đẹp nhất, để cùng Điện đến dự buổỉ lễ tốt nghiệp của Điện (và cũng của Lâm nữa). Trong lòng Ngọc nung nấu một cơn giận.
Khi tới trường Điện Phú Thọ, sinh viên và gia đình tấp nập cả một sân trường rộng lớn. Tiếng cười tiếng nói ầm vang. Ngọc đi bên Điện mà mắt dáo dác tìm kiếm Lâm. Lòng hờn ghen nếu thấy Lâm đi với cô nàng nào thì mình sẽ …sẽ … ô kìa! Lâm đó, làm sao lầm lẫn được vóc dáng cao lớn ấy. Nhưng, bên Lâm có cô nàng nào đâu ta? Chỉ thấy mẹ Lâm và con bé Nhung bên cạnh thôi. Lâm đã nhìn thấy Ngọc rồi, vừa khi đôi mắt Ngọc chạm nhìn Lâm. Ngọc lúng túng, bối rối, không núp trốn đâu được vì Ngọc đang đứng bên cạnh Điện.
Lâm tiến tới, đôi mắt như nẩy ra tia lữa. Bắt tay Điện, Lâm hỏi Điện được chuyển đi dạy ở đâu thì nghe Điện báo chưa rút thăm, phần Lâm, nghe Lâm trả lời, Lâm rút thăm rồi và sẽ dạy trên Trường Trung học Tây Ninh. Hai người bạn bắt tay, chúc nhau may mắn. Lâm không nhìn và không cả hỏi chuyện với Ngọc. Ngọc cảm thấy mình có lỗi vô cùng với Lâm. Đáng lẽ Ngọc không nên đi với Điện hôm nay.
Vì câu chuyện nầy mà Lâm không nói chuyện, không sang chơi nhà Ngọc tới cả tháng sau. Điện được chọn về dạy ở trường Trung học Mạc Đỉnh Chi, ngay tại đường Lục tỉnh, rất gần cư xá Ngọc đang ở, còn Lâm phải lên tận Tây Ninh dạy.
Lâm phải đi xa, còn Điện lại dạy rất gần cư xá, nên chắc Lâm buồn. Điện lại là thầy của con bé Nhung em gái của Lâm. Một hôm gặp Nhung em mét:
- Chị Ngọc là bạn của Thầy Điện em phải không chị? Thầy Điện lại nhà em chơi với anh Lâm thì em gọi anh, ở lớp thì em phải gọi là Thầy. Thầy Điện ca hay lắm đó chị, Thầy hay ca trong lớp. Ngọc cười, hỏi:
- Phảỉ thầy em hay ca bài “Ngày Xưa Hoàng Thị” không, thì Nhung gật đầu.
Lâm dạy, phải ở luôn trên Tây Ninh tới cuối tuần mới về thăm nhà. Hai đứa không còn thủ thỉ bên bụi dạ lý hương hằng đêm như ngày xưa nữa. Thay vào đó Điện thường xuyên tới lui.  Trận chiến càng ngày càng khốc liệt. Má lo sợ cho cậu em trai gần tới tuổi đi lính, lo tới chuyện xin xuất ngoại nên đã bán căn nhà ngoại ô cư xá thương yêu tràn ngập bao nhiêu kỷ niệm.
Dọn về chỗ mới, hai đầu nỗi nhớ đã xa càng cách xa nhiều thêm. Lâm dạy trên Tây Ninh, vùng đất Thánh Cao Đài chiến trận càng khốc liệt. Nhớ Lâm, Ngọc chỉ còn phương tiện thơ từ nhờ ông phát thơ mang những lá thơ đầy lo âu. Lâm nói vì lý do an ninh, các Thầy đều phải theo một khóa huấn luyện quân sự. Một lần tới thăm Ngọc, Lâm buồn lắm, nói nhà của Ngọc người mới ở cũng có hai cô con gái trạc tuổỉ Ngọc và em, cũng thường ngồi học bài trên căn gát nhỏ, ngó thẳng sang phòng ngủ của Lâm. Lâm nói lần nào về thăm nhà, Lâm cũng ngồi ngó sang căn gát nhà Ngọc tìm kiếm bóng dáng quen thuộc ngày xưa, nhưng không còn được nghe bài hát Somewhere My Love nữa.

* * * *

Gần cuối tháng tư hỗn loạn năm 1975, Lâm tới thăm bảo:
- Ngọc nên đi…có gì chắc Lâm sẽ qua Pháp, anh rể bên đó.
Gặp lại Điện trong sân Thư Viện Quốc Gia cũng vào những ngày hỗn loạn, Điện cầm tờ giấy, vẽ bản đồ Việt Nam, hình cong chữ S, chỉ con đường cong vòng theo biển Thái Bình Dương, nói:
- Giờ mình chỉ còn đường biển để thoát thân …Ngọc nên đi!
Mấy ngày sau, Ngọc cùng gia đình vô phi trường Tân Sơn Nhất, rồi vĩnh viễn rời xa quê hương…
Mùa Tết, thường là mùa các Hội đoàn tổ chức đại hội trường cũ bạn xưa, để có dịp gặp gở tâm sự nhau.  Dịp như vậy là phải có đặc san để trao nhau món quà ý nghĩa, trong đó sẽ có những hình bóng tình xưa nghĩa cũ thấp thoáng trên từng trang sách lưu bút lại ngập tràn tình cảm cho nhau.
Hơn ba thập niên đã trôi qua, hình lẫn bóng đều nhạt nhòa do hoàn cảnh đất nước kẻ ở người đi, chia sông cách núi. Có tin không, đúng ba mươi năm sau, y như kỳ hẹn của tập thơ Vũ Hoàng Chương “Ta đợi em từ ba mươi năm”, Ngọc gặp lại Điện, cũng qua cánh cửa Hội đoàn. Biết nhau bình an, đã quá đủ sau bao nhiêu hoàn cảnh đổi dời.
Giờ Ngọc ngồì đây, tai gắn chiếc máy âm thanh nhỏ, nghe đi nghe lại những lờì ca ngày xưa vang trên căn gát nhỏ, bên kia có bóng dáng người xưa, đã từng làm cho trái tim mình đập những loạn nhịp bất thần…
Someday we'll meet again, my love.
Someday whenever the spring breaks through*

 

          Ngọc Anh

*The Love Theme or Lara's Theme

from the movie Dr. (Doctor) Zhivago

 

 

Báo Xuân Canh Dần 2010 -  Hội Cựu Học Sinh Trung Thu