|
| ||||
Bánh Tét, bánh Chưng
Từ một sự tích thiêng liêng trong lịch sử của dân tộc, về chàng Liêu, con thứ 18 của vua Hùng, ngày dâng lễ vật cho cha đã chọn thứ bánh làm từ nếp dẻo, đậu xanh và thịt lợn, gói vuông vức tượng trưng cho đất mẹ, để tỏ lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên. Rồi từ đó, bánh chưng đã được xem là món ăn không thể thiếu vào ngày Tết. Ở miền Nam còn có bánh tét, nguyên liệu cơ bản không thay đổi, nhưng dùng lá chuối để gói và có hình trụ. Bánh tét lá cẩm
Món ngon các miền
Người miền Bắc thường ăn bánh chưng với dưa hành muối, hòa quyện vị ngọt bùi béo ngậy của bánh với vị thơm hăng của hành. Từ Huế đến Sài Gòn, món ăn kèm lại đa dạng hơn, có thêm củ kiệu, dưa góp, dưa món hoặc vài lát dưa leo. Người miền Bắc không thiếu được món thịt đông trong nhà ba ngày Tết, đây là món ăn dễ làm, lại rất phù hợp với khí hậu mùa này.
Dưa giá Thịt đông Bánh chưng
Món ăn khoái khẩu của người miền Trung là măng khô kho cuốn bánh tráng nhưng phải là măng giữa độ tháng Tám đến tháng Mười. Khi chế biến người ta phải qua nhiều lần sơ chế, luộc đi luộc lại để chắt hết nước dão và làm mềm măng, dùng dao tước nhỏ thành sợi. Kho măng với thịt mỡ hoặc thêm vịt, gà là tùy khẩu vị từng người nhưng phải kho thật lâu từ 1-2 ngày cho gia vị thấm vào măng. Bánh tráng phải chọn loại làm bằng gạo lức Phú Yên, dẻo mà không quá mềm hoặc quá khô, vừa đủ dày và ngọt ăn kèm măng kho.
Măng khô kho thịt cuốn bánh tráng
Món ăn ngày Tết của người Huế
Khoảng 27-28 Tết, mọi
nhà đều lo gói bánh tét, bánh chưng và các loại bánh khác. Bánh chưng chỉ gói độ
vài đôi để bày lên bàn thờ cho đẹp, còn phần lớn là bánh tét được gói bằng lá
chuối hột với gạo, đỗ, thịt và làm thành từng đòn như bó giò. Khi ăn phải bóc lá,
cắt thành từng khoanh rồi sắp lên đĩa.
Các món ăn mặn cũng được các mệ, các o xứ Huế chuẩn bị chu đáo từ vài hôm trước
Tết. Trong các món ăn, dưa món là thứ không thể thiếu được trong mâm cỗ Tết của
người Huế. Dưa món gồm dứa (thơm) và củ cải thái miếng đem phơi săn trộn với ớt
chín, cà muối, đu đủ, tỏi, cà rốt, nước mắm và đường. Món này phải làm trước Tết
độ vài tuần lễ cho ngấm. Tiếp đến là các món chả tôm, nem bò lụi, chả da, xà
lách gân bò, chả tré, hành dầm dấm, chả lụa... Nem bò lụi
Một món ăn khác là chả tôm làm bằng tôm tươi lột vỏ giã nhuyễn, trộn mỡ, hàn the, lòng trắng trứng, cho tôm lên trên mặt lá chuối hấp chín ăn với dưa món và nước chấm. Muốn ăn chả tôm chiên thì sau khi hấp đem chiên chả lên ăn với rau sống. Ngoài ra, món tôm chua cũng là món ăn rất được người Huế ưa thích. Tôm được chọn làm món chua là loại tôm sống, tôm đồng. Tôm đem dầm rượu, cho vô thạp cùng với nước mắm, riềng và đường, đậy kỹ, đem đặt ngoài nắng chừng 5 hôm thì dùng được.
Có
thể chia món ăn Huế làm ba loại: chay, bình dân và ngự thiện. Ngự thiện là những
món ngon vật lạ trong cung đình dành riêng cho vua chúa và hoàng thân quốc thích.
Sau này, món ăn ngự thiện đã bình dân hóa như món tré nộm, chả giò, nem... Món
chay là những món ăn đơn giản, với tài sáng tạo và bàn tay khéo léo của người
phụ nữ Huế đã chế biến các loại thực vật bình thường như hoa chuối, nấm rơm, hạt
sen, đậu phộng, tàu hũ, nước dừa, củ đậu... thành nhiều món ăn thơm ngon, lạ
miệng để cúng vào buổi sáng đầu năm. Chả tôm
Người miền Nam giản đơn hơn trong ăn uống nhưng cứ Tết đến lại thêm món thịt kho nước dừa, khổ qua dồn thịt, tàu hũ, mộc nhĩ, nấm hương, dưa chua, chả lụa... Các món đều có thể để dành được vài ngày, vừa để ăn vừa để đãi khách, không mất công nấu nướng nhiều, dành thời gian đi thăm viếng người thân, bạn bè hoặc du lịch, vui chơi.
Thịt kho Khổ qua Dưa chua Chả lụa
Bánh mứt
Người Việt có phong tục cứ đến Tết thì nhà nào cũng có món mứt trong nhà: từ mứt dừa, mứt gừng, mứt khoai,... cho đến các loại mứt dẻo như mãng cầu, tắc, me, thơm... Nhiều người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam ngạc nhiên khi thấy hầu hết trái cây, củ, quả gì người dân mình cũng có thể chế biến thành mứt. Ngày Tết, bên nhành đào hoặc nhành mai nở thắm, mỗi nhà đều có một khay mứt kèm một đĩa hạt dưa đỏ để khách khứa đến nhâm nhi bên tách trà lài, trà sen thơm ngát. Trước đây, mỗi nhà thường tự làm mứt nhưng cùng với sự phát triển của thị trường, hàng trăm thứ mứt ngon và đẹp mắt được bày bán sẵn rất tiện cho người tiêu dùng. Mứt đóng hộp có thể dùng làm quà biếu bạn bè, người thân để trưng bày trên bàn thờ tổ tiên trong ba ngày Tết.
Trái cây
Trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên ngày Tết không thể thiếu trái cây. Trái cây đơm trên bàn thờ phải tươi nguyên, còn cả cuống lá xanh để có thể trưng đến ra giêng mà không hư. Mỗi người có cách trưng trái cây trên bàn thờ khác nhau. Đơn giản có thể chọn nải chuối khéo chưng lên cao đan xen nhau cùng với dưa hấu, thơm, bưởi...; cầu kỳ hơn trưng bày trái cây trên bàn thờ theo nghĩa long, lân, quy, phụng khá công phu. Lại còn có cách trưng bày trái cây theo nghĩa "chơi chữ": cầu (mãng cầu), vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài). Tất cả hướng đến mong muốn cầu chúc mọi người trong gia đình dòng họ được sung túc, đầy đủ, trọn vẹn trong suốt năm.
TLe sưu tầm
|