Ngày 14/2 sẽ là
thời điểm bắt đầu năm Dần - năm con Hổ theo lịch truyền thống của Trung Quốc, và
có nhiều lo lắng rằng, nó sẽ khiến nạn buôn bán hổ Ấn Độ trái phép gia tăng.
Nhu cầu các bộ phận cơ thể hổ để sử dụng làm thuốc Đông y Trung Quốc đã góp phần
làm sụt giảm mạnh số lượng hổ Ấn Độ trong hai thập niên qua.
Những con hổ hoang dã của Ấn Độ đang phải vật lộn để tồn tại với dân số gần
1,2 tỉ người. Tuy nhiên, các nhà bảo vệ động vật lại cảnh báo một nguy cơ
khác - Năm mới của người Trung Quốc
Một báo cáo của Cơ quan Điều tra môi trường
phi chính phủ có trụ sở tại London cho hay, các nhà buôn bán da hổ ở Trung Quốc
trong năm nay được dự đoán sẽ có lợi nhuận lớn hơn vì "ai cũng sẽ muốn có một
tấm da hổ" trong năm Dần.
Năm "tuổi" của hổ
"Các nhà buôn đều ý thức được sự khan hiếm
của hổ hoang dã cũng như quan niệm truyền thống của người Trung Quốc trong năm
sắp tới, họ coi đây là cơ hội để gia tăng lợi nhuận", báo cáo nhấn mạnh. Các nhà
bảo vệ động vật cũng chỉ trích Trung Quốc không hành động đủ mạnh để ngăn chặn
nạn buôn bán các bộ phận hổ.
Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Jairam Ramesh, không hề giấu giếm quan ngại của mình.
Ông cảnh báo rằng, năm mới của Trung Quốc đưa ra "một nguy cơ với hổ ở Ấn Độ" và
trong tháng 8 đã đề nghị Bắc Kinh làm nhiều hơn nữa để góp phần ngăn chặn nạn
buôn bán hổ trái phép.
Sau khi cựu Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, tuyên bố Dự án Hổ
năm 1973, số lượng hổ ở nước này đã gia tăng nhanh chóng từ khoảng 1.800 con vào
đầu những năm 70 lên hơn 4.000 con vào năm 1989.
Tuy nhiên, các nhà làm thuốc Đông y ở Trung Quốc đã hướng đến Ấn Độ tìm kiếm
nguồn cung khi số lượng hổ trong nước họ sụt giảm, Belinda Wright, một nhà bảo
vệ hổ tại Delhi - người sáng lập ra Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hoang dã của Ấn Độ,
cho biết. "Đó là một cuộc chiến tồi tệ kể từ đầu những năm 1990", bà nói. "Những
gì thay đổi là nhu cầu cực lớn các bộ phận hổ từ Trung Quốc".
Nguồn lợi lớn
Buôn bán các bộ phận hổ phụ thuộc vào những người săn bắt
trộm sống gần môi trường sống của hổ. Những người dân làng chủ yếu là rất nghèo
khổ, bị hấp dẫn bởi những khoản tiền lớn từ nhà buôn ở các thành phố lớn - những
người buôn lậu bộ phận hổ qua con đường giao dịch truyền thống, thường là qua
Nepal và Myanmar.
Rất nhiều các bộ phận của hổ được sử dụng trong đông y Trung Quốc như xương, râu,
da, máu... Một số nhà nghiên cứu cho biết, xương hổ có thể bán với giá 1.390
đôla Australia/kg ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Da hổ có thể thu tới 24.000 đôla
Australia.
Công viên Quốc gia Ranthambore nổi tiếng của Ấn Độ tại Rajasthan đã vật lộn với
cuộc khủng hoảng săn trộm từ 2002-2004 khi có tới 22 con hổ mất tích. Khoảng 40
người săn trộm cuối cùng đã bị bắt giữ và buộc tội. Tuy nhiên, tổ chức Tiger
Watch địa phương khẳng định, nỗ lực bảo vệ công viên là không đủ. Họ đã bắt đầu
một chương trình cải tổ giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tạo cơ hội việc làm cho
những người săn trộm ở cộng đồng Mogiya địa phương. Ngoài ra còn có các chương
trình khuyến cáo mọi người tránh xa việc săn trộm.
Tuy nhiên, vấn đề này không phải là thách thức duy nhất. Dân
số không ngừng mở rộng của Ấn Độ đưa lại hậu quả là, môi trường sinh sống của hổ
ngày càng giảm sút và bị thu hẹp.
Năm ngoái, người Ấn Độ thực sự choáng váng khi kết quả thống kê đưa ra cho biết,
chỉ còn 1.411 con hổ sống trong hoang dã, giảm khoảng 60% chỉ trong vòng một
thập niên. Thậm chí, một số nhà bảo vệ động vật khẳng định, con số này còn quá
lạc quan, thực tế là "chưa đầy 900 con", một người nói.
Giờ đây, năm con hổ của người Trung Quốc sắp tới, lại là một mối đe dọa cho số
lượng hổ của Ấn Độ vốn ngày một ít đi.
Quyền Nguyễn sưu tầm
|